Chiều 2/3, tại họp báo thường kỳ của Ban Phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC) thông tin về khả năng đáp ứng của ngành y tế địa phương khi xuất hiện cúm A(HN51) ở biên giới Việt Nam- Campuchia.
Theo đó, ngay khi có văn bản cảnh báo của Viện Pastuer Tp.HCM vào chiều 24/2 về tình hình cúm A (H5N1), Sở Y tế Tp.HCM đã có văn bản chỉ đạo cho tất cả các cơ quan, ban ngành chủ động ứng phó.
Tại khu vực cửa khẩu, Sở Y tế Tp.HCM tăng cường khám xét người đến từ nước ngoài, bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế của HCDC tại sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng hàng hải trong phạm vi.
Nếu có trường hợp nghi ngờ, cơ quan chuyên môn sẽ thăm khám, điều tra dịch tễ, chẩn đoán. Tại các cửa khẩu này, Sở Y tế sẽ phối hợp Chi cục thú y để kiểm soát tình trạng gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam.
Ở cửa khẩu nội địa, ngành y tế tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp viêm hô hấp cấp, đặc biệt là người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm, có các triệu chứng nghi ngờ. Cùng với đó là tăng cường giám sát để phát hiện các chùm ca bệnh viêm hô hấp cấp tại cộng đồng.
“Khi phát hiện những trường hợp bệnh viêm hô hấp nặng, chùm ca bệnh sẽ báo cáo và phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM, có chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đồng thời báo cáo HCDC để tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý”, bà Nga thông tin.
Đồng thời, HCDC cũng tăng cường công tác truyền thông đến cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng tiếp xúc nhiều với gia cầm.
Với các bệnh viện, Sở Y tế chỉ đạo tăng cường giám sát chẩn đoán các trường hợp viêm hô hấp cấp tính nặng, phải hội chẩn với BV Bệnh Nhiệt đới để chẩn đoán ngay, báo cáo HCDC.
Các trung tâm y tế quận, huyện và phòng y tế cần phối hợp tham mưu các nhiệm vụ kế hoạch phòng, chống cúm A (H5N1). HCDC đã phối hợp cùng Chi cục thú y, Sở NN&PTNT tổ chức lớp tập huấn giám sát và phòng, chống cúm A (H5N1).
Bà Nga khẳng định: "Hiện nay, dịch cúm này chưa xuất hiện ở Tp.HCM. Thành phố từng ghi nhận 4 ca bệnh cúm A (H5N1) năm 2004. Từ đó đến nay không phát hiện ca nào ở Tp.HCM. Mới đây có 1 ca tại tỉnh Phú Thọ. Cúm A (H5N1) chưa được coi là bệnh lưu hành ở TP".
Tuy nhiên, với mức độ giao lưu tại một siêu đô thị như Tp.HCM, là nơi mua sắm, giao thương nhiều mặt hàng nên HCDC mong người dân cảnh giác cao độ về nguy cơ xâm nhập của loại cúm này.
Để phòng dịch, người dân không ăn tiết canh, thịt gia cầm sống, thức ăn chưa nấu chín kỹ. Luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm để ngăn ngừa virus xâm nhập.
Ngày 26/2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản khẩn gửi Sở, ngành và các quận, huyện, Tp.Thủ Đức về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm A (H5N1).
Cụ thể, UBND Tp.HCM yêu cầu Sở Y tế tập trung giám sát phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi, đến, ở từ vùng dịch, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.
Tăng cường giám sát chặt người nhập cảnh đi, đến, ở từ vùng có dịch cúm A. Song song đó, giám sát để phát hiện sớm các ca bệnh, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để triển khai xử lý kịp thời, hạn chế lây lan diện rộng.
Ngoài ra, Tp.HCM chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện các trường hợp có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở phải điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm để phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm và lấy mẫu kịp thời.
Cục Quản lý thị trường Tp.HCM được yêu cầu chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh; chủ động tham mưu UBND Tp.HCM các giải pháp cụ thể về phòng, chống dịch bệnh tùy vào tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm.
Triển khai kế hoạch lấy mẫu giám sát chủ động trên đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao để xác định nguyên nhân, điều tra dịch tễ, kịp thời cảnh báo cho địa phương.
Tổ chức thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch động vật, thực hiện công tác tiêu độc sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào Tp.HCM; thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát giết mổ.
Tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm nếu phát hiện vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, nhất là tại cửa ngõ giao thông ra vào Tp.HCM
UBND các quận, huyện và Tp.Thủ Đức, phổ biến truyền thông về tác hại và cách phòng bệnh. Quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn, hướng dẫn người chăn nuôi kê khai hoạt động chăn nuôi. Tập trung xử lý nghiêm các trường hợp chăn nuôi (nhất là chăn nuôi gà đá), vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.