Không vận động phụ huynh mua sắm cơ sở vật chất cho trường
Ngày 10/9, sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM có văn bản gửi phòng GD&ĐT TP.Thủ Đức, các quận, huyện và các cơ sở giáo dục công lập về việc hướng dẫn thu, sử dụng các khoản thu khác trong năm học 2021-2022.
Theo đó, sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị trong học kỳ 1, các cơ sở giáo dục công lập không kêu gọi, vận động phụ huynh học sinh hỗ trợ mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất cho trường học dưới bất kỳ hình thức nào (không bao gồm việc vận động thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh nghèo không đủ điều kiện học tập).
Khi có điều kiện đi học lại, các cơ sở giáo dục công lập chủ động rà soát tận dụng các cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có đảm bảo các điều kiện để tổ chức giảng dạy học tập.
Các trang thiết bị như máy điều hòa và các trang thiết bị không phục vụ trực tiếp cho việc học tập như thay màn cửa, trang trí lớp học… nếu không cần thiết cần hạn chế vận động phụy huynh mua sắm.
Các cơ sở công lập cũng không thay đổi đồng phục, quần áo thể dục thể thao, không buộc phụ huynh phải mua mới để giảm các chi phí phát sinh cho phụ huynh học sinh.
Tổ chức dạy và học phù hợp với thời gian, số tiết trên ngày đảm bảo không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, không gây quá tải cho giáo viên, học sinh để phát huy được hiệu quả trên nền tảng học trực tuyến.
Các khoản thu khác như khoản thu thực hiện mức thu trường tiên tiến, xu thế hội nhập khu vực và quốc tế; thu thực hiện đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”… các cơ sở giáo dục công lập cần lưu ý điều chỉnh và xây dựng mức thu phù hợp.
Học sinh đi học lại phải an toàn
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đề xuất UBND TP.HCM và các sở ban ngành thực hiện công tác phối hợp trong thời gian sau 15/9, chuẩn bị cho học sinh đi học lại.
Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với sở Y tế xây dựng phương án an toàn, phòng Covid-19 trong trường học. Các giáo viên được ưu tiên tiêm đủ hai mũi vắc-xin trong thời gian sau ngày 15/9 để có thể đứng lớp và thực hiện các công tác liên quan khi tình hình dịch bệnh bình thường trở lại.
Đối với học sinh, sở GD&ĐT đề xuất sớm thúc đẩy việc tiêm vắc-xin cho học sinh theo độ tuổi quy định.
Sở GD&ĐT phối hợp với sở Tài chính rà soát tham mưu chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh khó khăn, hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là giáo dục mầm non.
Trong thời gian học sinh đang phải học trực tuyến, sở GD&ĐT đề xuất sở Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí sửa chữa trường lớp cho các cở sở giáo dục, hoàn thành trước thời gian học sinh được trở lại trường.
Đối với các cơ sở giáo dục được tận dụng trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, sở GD&ĐT đề xuất với UBND TP.HCM giao ban Quản lý xây dựng các công trình địa phương chủ trì thực hiện và có cơ chế phê duyệt, cấp kinh phí nhanh để sớm hoàn thành việc sửa chữa.
Ngày 9/9, sở GD&ĐT TP.HCM có tờ trình gửi Thường trực UBND TP.HCM về phương án mở cửa trường học trở lại trên địa bàn thành phố.
Văn bản của sở GD&ĐT đưa ra nhận định, để mở cửa trở lại các ngành hoạt động, phục hồi kinh tế, cần tính toán cho học sinh quay lại trường. Đây là điều kiện rất quan trọng giúp các địa phương sớm ổn định, để người lớn yên tâm đi làm.
Việc tận dụng “khoảng thời gian vàng” để học sinh được học trực tiếp vừa là điều kiện rất cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục vừa là điều kiện cơ bản để ổn định xã hội.
Do đó, cần có phương án từng bước cho học sinh trở lại trường học, ưu tiên khối nhỏ (để người lớn đi làm), chính khóa, kết hợp với công tác truyền thông để người dân hiểu, đồng tình đưa trẻ đến trường.
Song song đó, các phương án cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên và học sinh, ưu tiên học sinh lớp nhỏ (mầm non, lớp 1, 2), học sinh đầu cấp và cuối cấp.
Nhằm chuẩn bị về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, sở GD&ĐT TP.HCM kiến nghị các địa phương rà soát tình hình cơ sở vật chất, kể cả ngoài công lập theo bộ tiêu chí an toàn phòng, chống Covid-19 trong trường học.
Đồng thời, mỗi địa phương phải xây dựng kế hoạch, tiến độ bàn giao các cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực trạng và kế hoạch sửa chữa cụ thể.
Trong đó ưu tiên các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học được bàn giao, sửa chữa trước, đảm bảo kinh phí hoạt động của các trường công lập do những phát sinh từ công tác phòng, chống dịch, tổ chức giãn lớp, hợp đồng giáo viên...
Thành Nhân