Sáng 19/10, kỳ họp thứ ba của của HĐND Tp.HCM khóa X bước vào phiên thảo luận chung.
Tại đây, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM phát biểu: “Hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở của Thành phố không đủ năng lực để ứng phó khi dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là những bệnh dịch mới nổi”.
Do đó, Sở Y tế đã có nhiều buổi họp lắng nghe ý kiến các chuyên gia, ý kiến của các đồng chí lãnh đạo quận, huyện và của chính nhân viên y tế cơ sở để xây dựng đề án củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở.
Cơ quan này đang gửi lấy ý kiến, chuẩn bị tham mưu cho UBND Tp.HCM trình Đoàn ĐBQH Tp.HCM kiến nghị Quốc hội bổ sung các cơ chế chính sách, trình Ban Thường vụ Thành ủy Tp.HCM cho phép thí điểm triển khai một số hoạt động trước mắt giúp củng cố năng lực cho trạm y tế xã, phường.
Hiện, trên địa bàn Tp.HCM, trạm y tế được phân bổ từ 5 biên chế trở xuống là 52 trạm. Trạm y tế được phân bổ từ 6-8 biên chế là 173 trạm. Trong khi có 64 trạm y tế được phân bổ từ 9-10 biên chế và chỉ có 21 trạm y tế được phân bổ trên 10 biên chế.
Đơn cử Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh với dân số 166.603 người nhưng có 10 biên chế. Trong đó, có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng, 1 hộ sinh và 3 nhân sự khác, hay Trạm Y tế phường 10, quận 3 với dân số 10.331 người nhưng có 5 biên chế.
“Từ thực tiễn chống dịch cho thấy, việc củng cố trạm y tế không chỉ dừng ở việc tăng thêm biên chế, tăng thu nhập cho nhân viên y tế tuyến đầu, mà cần phải chú trọng và tạo điều kiện để trạm y tế thật sự là một mắt xích quan trọng trong chuỗi nhiều mắt xích khác”, ông Thượng nói.
Bởi lẽ, khi F0 tăng thì có trạm y tế lưu động đảm trách, mỗi trạm 50-100 F0. Còn khi F0 cần cách ly tại nhà thì có Tổ Covid cộng đồng tham gia giám sát.
Ông Tăng Chí Thượng cũng chỉ ra: “Cần có lộ trình tái cấu trúc tất cả bệnh viện, đảm bảo các bệnh viện thực hiện chức năng là khám, chữa bệnh cho người dân mắc các bệnh thông thường và can thiệp điều trị chuyên sâu, chức năng thu dung, cách ly điều trị khi phát hiện người bệnh nghi ngờ mắc Covid-19”.
Bên cạnh đó, ngành Y tế Tp.HCM đang chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực tại chỗ (tuyến quận, huyện) và nguồn nhân lực chi viện (tuyến thành phố) để kịp thời ngăn chặn dịch và chăm sóc, quản lý người bệnh.
“Mỗi địa bàn quận, huyện cần có kế hoạch sẵn sàng thành lập bệnh viện dã chiến quận, huyện, cơ sở cách ly tập trung của quận huyện, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng”, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM nhận định.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết, Tp.HCM đang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định 4800 của Bộ Y tế về Hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch.
Do đó, ngành Y tế Tp.HCM đã ban hành các hướng dẫn đánh giá, phân loại cấp độ dịch cho các quận, huyện thực hiện.
“Trong chiều nay (19/10), chúng tôi sẽ ban hành hướng dẫn cách phát hiện và xử lý F0 trong cộng đồng. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Tp.HCM, Sở Y tế đã xây dựng các kịch bản để các quận, huyện xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó dập dịch và diễn tập”, ông Thượng nói.