Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) vừa thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong tuần qua.
Về bệnh tay chân miệng, trong tuần 23, thành phố ghi nhận 423 ca bệnh, tăng 142,4% so với trung bình 4 tuần trước (175 ca). Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Số mắc tích lũy đến tuần 23 là 2.407 ca, giảm 53,55 so với cùng kỳ năm 2022 (5.174 ca).
(Ảnh minh họa).
Trong tuần qua, ghi nhận hầu hết các quận, huyện đều có số ca mắc tăng so với số ca mắc trung bình 4 tuần trước (19/22 quận, huyện), trừ quận 1, quận 3 có số ca mắc không thay đổi so với trung bình 4 tuần trước và quận 10 có số ca mắc giảm so với trung bình 4 tuần trước.
Về công tác thu dung điều trị, có tổng cộng 936 ca tay chân miệng điều trị nội trú tại các bệnh viện của Tp.HCM từ đầu năm đến nay. Trong đó, có 46 ca nặng và 4 trường hợp tử vong, là bệnh nhi chuyển từ các tỉnh về. Tổng số bệnh nhân đang điều trị nội trú là 147 ca, tất cả đều là trẻ dưới 6 tuổi.
Nhằm chủ động nguồn lực sẵn sàng cho hệ thống điều trị đáp ứng tình huống số ca mắc tăng cao, Sở Y tế Tp.HCM cho biết đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn theo các kịch bản ứng phó với các trường hợp nặng.
Diễn tiến và biến chứng có thể xảy ra của bệnh là gì?
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM, trẻ mắc tay chân miệng ban đầu sẽ nổi bóng nước. Nếu bóng nước ở trong miệng thì vỡ ra thành vết loét, còn bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thì thường không bị vỡ ra và sau đó sẽ khô dần. Diễn tiến bệnh thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có thể nhiều hơn 10 ngày. Sau đó thì bóng nước có thể tự khô, tự ổn định và tự khỏi.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tự khỏi chiếm khoảng trên 90% trường hợp. Còn lại trẻ mắc bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, thân não gây ra suy hô hấp; ảnh hưởng tới tiêm gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp… thậm chí dẫn đến tử vong.
Do đó khi chăm sóc trẻ bệnh, người chăm sóc cần theo dõi kỹ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo trẻ chuyển bệnh nặng. Khi đó, chúng ta cần mang ngay trẻ đến bệnh viện vì thời gian giữ lại mạng sống cho trẻ khi có biến chứng lên não là khoảng 6-12 tiếng.
Dấu hiệu nào để nhận biết bệnh tay chân miệng chuyển nặng?
Thông thường các biến chứng thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - thứ 5 của bệnh. Dấu hiệu chính là trẻ là bị thay đổi giấc ngủ, giật mình, chới với.
Nếu nhẹ thì em bé khi thiu thiu ngủ sẽ bị giật mình, ngồi dậy chơi thì bình thường.
Độ nặng hơn một chút là em bé vừa nằm ngã ra là sẽ giật mình, chới với.
Nặng hơn nữa là khi bồng trên tay, trẻ vẫn giật mình chới với.
Lúc này nên chú ý trong lòng bàn tay có nổi nốt hay không, miệng thì loét hay không, vài ngày trước trẻ có than đau miệng, chảy nước bọt hay không. Đó là những dấu hiệu cần quan sát để phát hiện sớm biến chứng.
Diệu Thu