Mục tiêu là ngăn chặn tỉ lệ tử vong
Theo thông tin từ HCDC, tính từ 19h ngày 17/7 đến 6h ngày 18/7, Thành phố ghi nhận thêm 1.756 trường hợp nhiễm mới đã được bộ Y tế công bố vào sáng 18/7 (BN49230-BN50986).
Đồng thời, TP. HCM đăng ký bổ sung trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 danh sách 626 ca bệnh (BN47905-BN48530) đã được phát hiện trước đó tại các khu cách ly.
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố có hơn 29.000 trường hợp mắc Covid-19.
Để đáp ứng cho các tình huống xảy ra, TP.HCM đã có phương án cho việc tiếp nhận, điều trị tới 50.000 ca nhiễm Covid-19. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của Thành phố này để tránh rơi vào tình huống xấu nhất - người bệnh không có nơi điều trị.
Hiện, TP.HCM đã đưa thêm bệnh viện (BV) dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 9 (khu R4 New City, TP.Thủ Đức) vào hoạt động, với quy mô đến 5.000 giường.
Đội ngũ nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) của bệnh viện Nhi Đồng 2 được điều động luân phiên đến công tác tại đây, thời gian mỗi đợt luân phiên là 4 tuần. Trong thời gian luân phiên, các y, bác sĩ sẽ lưu trú hẳn tại các BV dã chiến, không trở về nhà.
Trước đó, BV Hồi sức Covid-19, quy mô 1.000 giường đặt tại BV Ung Bướu cơ sở 2 (TP.Thủ Đức) cũng đi vào hoạt động. Như vậy, đến thời điểm hiện tại ngành y tế Thành phố này đã thiết lập 12 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, với khoảng 35.000 giường.
Trong khi đó, BV dã chiến ở quận 7 và huyện Nhà Bè có tổng quy mô đến 7.000 giường cũng đang được gấp rút hoàn thiện.
Dự kiến, cuối tháng 7, các giường bệnh đầu tiên của 2 BV này sẽ tiếp nhận người bệnh. Cùng với các BV dã chiến khác, Thành phố này hướng đến con số 50.000 giường đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Khó khăn nhất chính trong thực hiện mục tiêu nêu trên là đội ngũ y tế và người làm các công tác liên quan cùng với cơ sở vật chất. Về cơ sở vật chất, TP.HCM đã tận dụng tối đa các cơ sở sẵn có, với sức chứa lớn có thể đáp ứng được yêu cầu.
Điển hình như BV dã chiến số 1 là Ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia, BV dã chiến số 2 là khu nhà tái định cư ở quận 12, BV dã chiến số 3 là khu nhà tái định cư ở TP.Thủ Đức, BV dã chiến số 4 là khu nhà tái định cư ở huyện Bình Chánh, BV dã chiến số 9 nêu trên cũng là khu R4 New City, TP.Thủ Đức.
Về nguồn nhân lực, là hàng nghìn nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) đang công tác tại các BV của Thành phố này, BV tuyến quận, huyện và các BV trực thuộc Bộ, ngành được điều động luân phiên đến công tác tại các BV dã chiến này.
Cùng với đó là hàng trăm chiến sĩ quân đội, các đơn vị khác cùng tham gia. Thời gian mỗi đợt luân phiên là 4 tuần, trong thời gian luân phiên các y, bác sĩ và thành viên khác sẽ lưu trú hẳn tại các bệnh viện dã chiến, không trở về nhà.
Hiện nay, quy trình tiếp nhận, điều trị bệnh Covid-19 của TP.HCM đang theo mô hình tháp 4 tầng.
Trong đó, đối với các bệnh viện dã chiến thu dung ở tầng 1, sở Y tế đã phối hợp với trường đại học Y dược TP.HCM tổ chức việc thu dung, đồng thời mở thêm khu điều trị cho các bệnh nhân chuyển nặng để kịp thời xử lý trong thời gian chờ chuyển các tầng điều trị cao hơn.
Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố này triển khai các giải pháp công nghệ để điều phối các ca F0 không triệu chứng đến các BV thu dung điều trị và F0 đang chuyển nặng, nguy kịch đến BV điều trị Covid-19 tầng cao hơn.
Đồng thời, không để tình trạng F0 chậm chuyển đến các bệnh viện theo phân tuyến, qua đó, ngăn chặn, giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.
Điều phối bệnh nhân
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm Y tế quận/huyện, TP.Thủ Đức dễ dàng và nhanh chóng chọn BV dã chiến nào phù hợp (còn sẵn giường trống) để chuyển ngay F0, sở Y tế đã có giải pháp.
Theo đó, đại diện sở Y tế TP.HCM cho biết: “Sở Y tế tạo dựng công cụ Dashboard (có thể hiểu là báo cáo tiến độ dưới dạng trực quan hoá dữ liệu) về tình hình sử dụng giường tại các BV dã chiến và các BV được phân công điều trị Covid-19.
Sở Y tế yêu cầu các BV dã chiến và các BV điều trị Covid-19 thường xuyên cập nhật tình hình sử dụng giường lên Dashboard.
Từ đó, các trung tâm y tế chịu trách nhiệm theo dõi Dashboard để chọn BV phù hợp và nhanh chóng liên hệ trung tâm Cấp cứu 115 để chuyển người bệnh (F0) đến BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19”.
Trong khi đó, trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm bố trí các kíp cấp cứu và xe cấp cứu thường trực 24/7 tại các BV dã chiến. Việc này để kịp thời vận chuyển người bệnh chuyển nặng đến các BV chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 ở tầng 2,3 hoặc tầng 4.
Ngoài ra, trung tâm Cấp cứu 115 còn được giao nhiệm vụ liên hệ và điều phối xe vận chuyển chuyên dùng phục vụ chống dịch Covid-19 đến các điểm cách ly tạm để vận chuyển người bệnh (F0) đến các BV dã chiến thu dung điều trị.
Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Thành phố triển khai kế hoạch điều trị 50.000 ca bệnh, theo mô hình tháp 4 tầng. Cơ sở hạ tầng các khu điều trị hiện dần đi vào hoạt động ổn định từ nguồn nhân lực và cơ sở vật chất và các điều kiện hậu cần khác.
Đối với bệnh viện Hồi sức Covid-19 (đặt tại cơ sở 2, BV Ung Bướu, quy mô 1.000 giường), ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân sự và điều kiện hậu cần đầy đủ, phối hợp từ tuyến trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất”.