Khẩn trương giải quyết vấn đề tài chính
Chiều 2/4, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý 1/2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2-2024 dưới sự chủ trì của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh thông tin về vụ việc tại Trường Tiểu học, THCS, THPT quốc tế Mỹ Việt Nam thời gian qua nợ lương giáo viên nên học sinh phải nghỉ học.
Ông Hiếu cho biết, đây là trường tư thục, dạy tú tài quốc tế, được phụ huynh đánh giá cao. Các khóa vừa qua khi tốt nghiệp, được một số trường đại học trên thế giới công nhận và được miễn một số môn đã học phổ thông, nên được phụ huynh rất tin tưởng chất lượng và theo học ngày càng đông.
Hiện, trường này có 1.316 học sinh tiền tiểu học (trước lớp 1) đến hết lớp 12 (có 75 học sinh 12 đang học chương trình tú tài).
Là trường tư thục nên nhà trường có quyền chủ động trong đóng góp, khoản vay vốn, quy định quy chế trường ngoài công lập được phép huy động. Sau thời gian hoạt động, vận hành trường, theo báo cáo của nhà đầu tư, do đầu tư cơ sở vật chất nhiều nhưng thu thấp nên đơn vị này lỗ liên tục, mất khả năng chi trả.
Đến tháng 9/2023, vì không được trả tiền bảo hiểm, tiền thuê nhà, tiền lương nên giáo viên, nhất là giáo viên nước ngoài phản đối nhà trường. Có hơn 50% giáo viên không đến trường, không tổ chức được lớp học.
“Khi sự việc xảy ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu thành lập tổ công tác xuống giải quyết và được trả lời tháng sau sẽ có nhà đầu tư mới hỗ trợ tiền để trả lương cho giáo viên. Dự kiến ngày 1/4 vừa qua, trường sẽ hoạt động trở lại nhưng do không có nhà đầu tư mới nên không hoạt động được", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh thông tin.
Các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan đang nỗ lực thảo luận để nhà trường có thể hoạt động trở lại từ ngày 4/4. Các giáo viên nước ngoài có nguyện vọng nhận lương rồi mới tính toán phương án đi dạy. Một số giáo viên tâm lý không ổn nên không đi dạy trở lại.
Sở Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến UBND thành phố Hồ Chí Minh và đã lập số tài khoản do tổ công tác và trường làm chủ sở hữu chung để giám sát họa động chi và vận động phụ huynh sau cuộc đối thoại với phụ huynh vào ngày 30/3.
Đến nay có 84,56% phụ huynh (khoảng hơn 1.000 người) mong muốn tiếp tục cho con học lại tại trường và tham gia hỗ trợ nhà trường. Tuy nhiên, chỉ có 612 phụ huynh đồng ý đóng tiền hỗ trợ, còn lại cho con đi học lại nhưng không hỗ trợ vì đã hoàn thành nghĩa vụ với trường.
Sau khi công bố số tài khoản từ ngày 1/4, tính đến trưa ngày 2/4 đã có 21,7 tỷ đồng ủng hộ của phụ huynh trong tài khoản, dùng để chi trả lương tháng 3 cho giáo viên. Từ đó, nhà trường thực hiện quyết toán lương cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên nước ngoài.
Đánh giá toàn diện để học sinh trở lại trường
Chỉ đạo xử lý vụ việc Trường quốc tế Mỹ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ tháng 10/2023, thành phố đã thành lập tổ công tác liên ngành nhưng chưa có sự tập trung cao.
Đến tháng 3/2024, khi có sự phản đối của một số phụ huynh, một số giáo viên nghỉ việc thì thành phố Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo tập trung hơn; đồng bộ hơn làm sao sớm ổn định để học sinh đi học trở lại. Đồng thời có một kế hoạch căn bản, lâu dài cho trường này, giải quyết tranh chấp giữa các bên.
"Đề nghị tổ công tác, trong hôm nay hoặc chậm nhất ngày mai phải rà soát lại, để chậm nhất là đến thứ 2 tuần sau các cháu phải được đi trở lại học. Cùng với đó có thông báo rõ ràng cho phụ huynh biết và thực hiện", Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu.
Đối với một số phụ huynh có nguyện vọng chuyển trường cho con sang trường khác, tổ công tác sẽ xem xét và có định hướng cho phụ huynh.
Trường hợp phụ huynh cho con tiếp tục học tại trường, các đơn vị liên quan cần có kế hoạch thực hiện sớm, chuẩn bị đầy đủ để thực hiện theo các phương án. Tổ công tác phải làm việc với chủ đầu tư, nhà trường về phương án sắp tới, phương án hoạt động lại, tái cơ cấu như thế nào để phụ huynh yên tâm.
Song song đó, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Văn phòng UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát lại, xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND thành phố Hồ Chí Minh, của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đối với việc quản lý Trường quốc tế Mỹ Việt Nam nói riêng và các trường quốc tế nói chung.
Từ đó phát hiện những thiếu sót, yêu cầu chấn chỉnh để đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật, thông lệ quốc tế và nhất là đảm bảo quyền lợi của học sinh. Bởi lẽ, “chấn chỉnh là để các trường hoạt động đúng quy định, bảo đảm quyền lợi người học, tránh trường hợp hoạt động không đúng cam kết, dẫn đến quyền lợi người học bị ảnh hưởng”.
"Phải thông báo kỹ, thông tin rõ ràng cho phụ huynh, giáo viên biết và chia sẻ. Trong bối cảnh hiện nay, không có phương án toàn diện mà chỉ có thể có phương án tốt nhất. Lúc này, chúng ta cùng nhau thì vấn đề mới được giải quyết một cách nhanh chóng", ông Phan Văn Mãi chỉ đạo.
Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) thành lập năm 2006, hiện có hơn 1.210 học sinh theo học chương trình Tú tài quốc tế (từ lớp 1 đến lớp 12).
Học phí của trường là 280-350 triệu đồng một năm với bậc mầm non, 450-500 triệu đồng với bậc tiểu học và 600-725 triệu đồng ở bậc trung học. Trường có 129 giáo viên nước ngoài, 26 giáo viên Việt Nam và 103 nhân viên.
Lùm xùm ở AISVN căng thẳng từ giữa tháng 3/2024 khi toàn bộ học sinh phải nghỉ học do phần lớn giáo viên không đi dạy vì bị nợ lương. Ngày 20/3, số giáo viên nghỉ việc lên đến 85 người. Nhiều phụ huynh mắc kẹt vì đã đóng học phí theo gói.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng vào cuối tháng 3/2024, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các cơ quan chức năng đang áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh với bà Nguyễn Thị Út Em do nợ thuế thu nhập cá nhân.
Trường quốc tế Mỹ Việt Nam bị đình chỉ tuyển sinh năm học 2024-2025, cho đến khi nhà đầu tư giải quyết các vấn đề tài chính, nhân sự, ổn định dạy học.