Xây dựng thương hiệu sản phẩm
Tính đến giữa tháng 5/2024, UBND huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) đã liên tiếp tổ chức đối thoại nông dân để xây dựng thương hiệu nông sản, trong đó có yến sào.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, nuôi chim yến và khai thác lấy tổ yến trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ năm 2008. Từ năm 2008-2016, tại huyện Cần Giờ có 10 nhà nuôi yến được thành phố thí điểm. Đến nay, số nhà nuôi yến trên địa bàn Thành phố đạt 735 nhà, trong đó Cần Giờ chiếm 545 nhà (74,15%).
Phần lớn nhà yến trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xây dựng tự phát, không đăng ký với chính quyền địa phương. Nhiều nhà yến không được cấp phép xây dựng, hoặc được cấp phép xây dựng nhà ở nhưng cải tạo, cơi nới thành nhà nuôi yến. Một số nhà yến nằm đan xen trong khu dân cư.
Hiện nay, nhà yến tại thành phố Hồ Chí Minh xây dựng trên đất nông nghiệp chiếm 10%; xây dựng trên đất nông nghiệp là 66,67%; xây dựng trên đất ở và đất khác là 22%.
Qua khảo sát, hiện trên địa bàn Thành phố ghi nhận 23,13% nhà yến chuyên dụng (xây dựng bằng gạch, bê tông cốt thép chỉ phục vụ nuôi yến); còn lại 76,87% nhà nuôi yến kết hợp với nhà ở.
Ông Hồ Ngọc Thiện, Trưởng phòng kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, hiện nay toàn huyện Cần Giờ có 519 nhà yến, trong đó số nhà yến cho thu hoạch là 459. Sản lượng yến 6 tháng đầu năm của huyện Cần Giờ đạt 9,7 tấn.
“Về mặt pháp lý, trong số 519 nhà yến có 10 căn trong Đề án thí điểm nuôi chim yến. Số còn lại xin phép xây dựng nhà ở rồi tự chuyển công năng sang nuôi chim yến; có 449/519 (86,51%) căn nhà yến xây dựng trong khu vực dân cư”, ông Thiện cho hay.
Ông Thiện đánh giá, nghề nuôi chim yến đóng góp không nhỏ trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm yến Cần Giờ chủ yếu bán ở dạng thô, do đó chưa đạt được giá trị kinh tế tối đa. Đồng thời việc xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ trong những năm qua làm chưa tốt, khiến sản phẩm này vẫn chưa tiếp cận được các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao tiềm năng của ngành nuôi yến tại địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay cần phải giải quyết câu chuyện về quy hoạch trong việc nuôi yến tại thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là quy định cụ thể về việc xây nhà yến.
Theo ông Phú, hiện nay tình trạng xây dựng nhà yến tự phát, chuyển đổi công năng nhà ở sang nhà nuôi yến, xây nhà yến trong khu dân cư diễn ra phổ biến. Điều này gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến đời sống người dân, do đó cần sớm có giải pháp khắc phục.
Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện Đề án nuôi chim yến trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030 để trình UBND và HĐND thành phố Hồ Chí Minh để tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc trong nuôi yến.
Tăng lợi nhuận nhờ đầu tư công nghệ
Theo nghiên cứu của Viện Sinh học nhiệt đới, thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi yến như địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa với nền nhiệt độ cao và tương đối ổn định trong năm. Bên cạnh đó, tần suất xuất hiện của bão ít và ít chịu ảnh hưởng của bão là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi yến trong nhà trên địa bàn.
Địa phương cũng có diện tích đất nông nghiệp còn nhiều (42,1% tổng cơ cấu đất đai của thành phố), thị trường tiêu thụ lớn, nhiều cơ hội ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi yến,…
Tuy nhiên, việc nuôi yến tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như tốc độ đô thị hóa nhanh làm giảm nguồn cung cấp thức ăn, môi trường sống tự nhiên của yến; chi phí đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao trong quá trình nuôi;…
Việc phát triển các nhà nuôi chim yến phân tán chưa tập trung trong các vùng quy hoạch phần lớn còn mang tính tự phát nhỏ lẻ, nên các mối quan hệ sản xuất còn ở mức thấp chưa hình thành các mối liên kết tạo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu yến sào.
Trong khi đó, các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển và tái cơ cấu nông nghiệp chưa cụ thể đối với nghề nuôi yến trong nhà, đặc biệt là nguồn vốn vay để đầu tư cũng như tái sản xuất đối với nghề nuôi yến trong nhà.
Để dẫn dụ chim yến tại thành phố Hồ Chí Minh, thạc sỹ Lương Đức Thiện, Viện Sinh học nhiệt đới cho biết, các công nghệ thực hiện cũng khá đa dạng.
Trong đó, với 3 phương pháp dẫn dụ chính là bằng âm thanh, phân chim yến và tạo mùi thu hút chim yến. Sự kết hợp của cả ba phương pháp này giúp cho việc thu hút chim yến vào nhà yến được hiệu quả hơn, từ đó làm tăng sản lượng tổ yến và doanh thu.
Công nghệ hỗ trợ quản lý nhà yến cũng khá đa dạng chủng loại, xuất xứ và không ngừng được cải tiến giúp việc vận hành nhà yến được hiệu quả hơn như hệ thống kiểm soát điều kiện không khí tự động, hệ thống camera giám sát và quản lý từ xa.
Qua khảo sát cho thấy, có 2 phương thức nuôi yến trong nhà tại thành phố Hồ Chí Minh là phương thức nuôi theo nhà yến kết hợp và phương thức nuôi theo nhà yến chuyên dụng.
Phương thức nuôi chuyên dụng có sự đầu tư bài bản về hạ tầng cũng như công nghệ nuôi, giúp tăng chất lượng tổ yến thô tại các nhà nuôi yến. Tuy nhiên, chi phí đầu tư xây dựng và vận hành của nhà yến sử dụng phương thức kết hợp và chuyên dụng chênh lệch khá lớn.
Tổng chi phí trung bình theo phương thức kết hợp khoảng 90 triệu đồng/năm, sản lượng trung bình khoảng 7,5kg/năm, cho doanh thu trung bình 160 triệu đồng/năm. Trong khi đó, tổng chi phí theo phương thức chuyên dụng khoảng 112 triệu đồng/năm, cho sản lượng trung bình 9 kg/năm và doanh thu khoảng 200 triệu đồng/năm.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà nuôi yến toàn quốc tăng rõ rệt trong những năm qua.
Tuy nhiên, về quy hoạch, các cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư (trên 90%), nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân. Một số tỉnh người dân đầu tư xây dựng nhà yến rất kiên cố ngay trong khu vực đông dân cư, chi phí đầu tư từ 1 - 6 tỷ đồng/nhà yến.
Hiện nay, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành luật giao cho UBND tỉnh xin ý kiến của HĐND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến. Nhưng đến nay, đại đa số các tỉnh chưa có quy định này khiến người nuôi yến khó khăn trong việc xây mới nhà nuôi yến.
Vì vậy, có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đến các tỉnh tư vấn xây dựng nhà yến nhưng mục đích chính là thu tiền tư vấn, bán vật tư làm nhà yến mà không quan tâm đến việc xây nhà yến xong, yến có đến ở hay không. Việc này có thể gây thiệt hại rất lớn cho người dân...
Rất nhiều trường hợp đầu tư xây nhà hàng tỉ đồng mà không dẫn dụ được đàn chim yến hoặc dẫn dụ được chim yến vào rồi nhưng chúng lại bỏ đi nên rất lãng phí.
Đặc biệt, thời gian qua xuất hiện các hiện tượng rất tiêu cực như dẫn dụ săn bắt chim yến theo kiểu tận diệt ở nhiều địa phương, trong thời gian dài, làm giảm đàn chim yến. Điều này vừa vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn gene quý hiếm và hệ sinh thái phát triển chim yến, gây bức xúc cho xã hội.