Hà Nội, Tp.HCM triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4
Mới đây, UBND Tp.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 154/KH-UBND về việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, liều nhắc lại lần 2 (mũi 4). Theo đó, việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) nhằm củng cố, tăng cường miễn dịch phòng Covid-19 cho người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với SARS-CoV-2 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong trường hợp bố trí được nguồn vắc-xin có thể mở rộng đối tượng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Thành phố đặt mục tiêu trên 95% đối tượng thuộc diện cần tiêm mũi nhắc lại lần 2 vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được tiêm. Thành phố sẽ tiêm chủng miễn phí cho tất cả đối tượng nêu trên theo hình thức tiêm chủng chiến dịch, tiêm ngay khi tiếp nhận vắc-xin từ Bộ Y tế (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương). Vắc-xin sử dụng để tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4) gồm: Vắc-xin mRNA do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất, vắc-xin do Astrazeneca sản xuất, vắc-xin cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lần 1). Thời gian thực hiện từ tháng 6/2022 và triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn thành phố.
Tương tự Hà Nội, Tp.HCM cũng triểm khai tiêm vắc-xin mũi 4 nhằm hạn chế tình trạng chuyển nặng. Tại họp báo thông tin về tình hình dịch Covid-19 và các vấn đề về kinh tế-xã hội trên địa Tp.HCM ngày 9/6, các cơ quan chức năng đã thông tin về tình hình tiêm vắc-xin phòng Covid-19, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết, thành phố đang tiến hành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi thứ nhất, mũi nhắc lại cho người trên 18 tuổi và tiếp tục tiêm chủng cho những người chưa tiêm từ 12-17 tuổi, từ 5-11 tuổi.
Theo số liệu thống kê đến ngày 9/6, tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại lần thứ nhất (mũi 3) chưa cao, đạt khoảng 63,87%; mũi 4 mới triển khai tiêm, tiến độ khá chậm. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi đạt gần 90%, trẻ 5-11 tuổi mũi 1 đạt khoảng 33%, mũi 2 đang tiêm.
Cũng theo bà Lê Hồng Nga, việc tiêm chủng mũi nhắc lại là rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi đất nước đang bước vào giai đoạn bình thường, từng bước khôi phục lại các hoạt động xã hội, sản xuất.
Do đó, việc này sẽ giúp tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ bởi những liều tiêm cơ bản trước đây sau một thời gian lượng kháng thể sẽ giảm dần. Theo đó, việc tiêm liều nhắc lại đúng lịch giúp tăng cường khả năng bảo vệ, hạn chế tình trạng chuyển nặng với từng cá nhân.
Phát biểu tại cuộc họp và đưa ra thực tế ở một số đất nước trên thế giới sau khi dịch đã được kiểm soát nhưng vẫn có thể bùng phát trở lại, bà Lê Hồng Nga cho rằng, việc tiêm nhắc lại đầy đủ và đúng lịch sẽ giúp kiểm soát tốt hơn dịch Covid-19.
Theo một khảo sát với hơn 2.000 người không tiêm đủ vắc-xin mũi nhắc lại, ngành Y tế Tp.HCM ghi nhận nhiều nguyên nhân, trong đó có 15% số người dân không biết nơi tiêm, 12% không đồng ý tiêm, 11% sợ phản ứng, 10% bận việc hoặc không có thời gian đi tiêm...
Sở Y tế đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế quận huyện, Phòng Y tế lập kế hoạch tiêm chủng, công khai thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận. Việc tổ chức tiêm chủng luôn thực hiện đúng quy trình an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế từ khâu đảm bảo vắc-xin, khám chỉ định và theo dõi sau tiêm.
Lịch tiêm mũi nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 cụ thể: Liều nhắc lại lần 1 (mũi 3), ít nhất 3 tháng sau tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản; liều nhắc lại lần 2 (mũi 4), ít nhất là 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lần 1 (mũi 3); đối với người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3, trì hoãn tiêm chủng 3 tháng kể từ ngày mắc Covid-19.
Vì sao cần tiêm mũi thứ 4?
Cơ thể con người không thể tiếp tục thúc đẩy phản ứng kháng thể mãi mãi mà sẽ giảm dần theo thời gian. Theo đó, tế bào lympho B sẽ phản ứng đầu tiên trong lần đầu tiên tiếp xúc với mầm bệnh (hoặc vắc-xin). Các tế bào B được kích hoạt sẽ phân chia nhanh chóng và biệt hóa thành các tế bào plasma tạo ra các protein gọi là kháng thể.
Các kháng thể có thể đánh dấu những kẻ xâm nhập đáng ngờ để tiêu diệt và một số có thể liên kết với một phần của mầm bệnh để ngăn chặn nó lây nhiễm hoàn toàn vào các tế bào. Đây là kháng thể "trung hòa".
Kháng thể trung hòa ngăn chặn trực tiếp virus xâm nhập tế bào và gây bệnh. Nhưng, các kháng thể sẽ suy yếu sau khi nhiễm bệnh, do lympho B tồn tại trong thời gian ngắn tạo ra kháng thể và sẽ chết đi nhanh chóng.
Mới đây, hãng Pfizer & BioNTech đã nộp đơn lên Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) để được cấp phép sử dụng liều khẩn cấp thứ 4 vắc-xin mRNA cho người lớn trên 65 tuổi.
Một phân tích hồ sơ của Bộ Y tế Israel được thực hiện trên 1,1 triệu người lớn từ 60 tuổi trở lên không có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 và đủ điều kiện tiêm liều vắc-xin phòng Covid-19 thứ 4, cho thấy: Tỉ lệ nhiễm bệnh được xác nhận thấp hơn 2 lần và tỉ lệ diễn biến nặng thấp hơn 4 lần, ở những người nhận được 1 liều tăng cường bổ sung của vắc-xin Pfizer, được tiêm ít nhất 4 tháng sau lần tăng cường đầu tiên (mũi 3), so với những người chỉ nhận được một liều tăng cường.
Giáo sư Paul Hunter y khoa tại Đại học East Anglia đồng tình với việc tiếp tục kế hoạch tiêm cho các nhóm dễ bị tổn thương (người lớn tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch...).
Theo chuyên gia, việc tiêm vắc-xin mũi nhắc lại khi kháng thể yếu đi theo thời gian là điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại. "Né" tiêm có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, lây bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu có đợt tiêm chủng do ngành y tế phát động, người dân vẫn cần tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi nhắc để ổn định kháng thể. Tuy nhiên, cần tuân thủ thời gian theo dõi sau tiêm, cẩn thận chú ý các triệu chứng bất thường để can thiệp kịp thời.
Trúc Chi (t/h theo TTXVN, Lao Động, Dân Trí, Sức khỏe & Đời sống)