Ngày 6/11, Sở Y tế Tp.HCM đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất cho Tp.HCM triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế trong điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Theo Sở Y tế, hiện trạm y tế cấp xã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 340 loại thuốc, trong đó có 50 loại thuốc dành cho các bệnh mạn tính không lây. Nếu so với bệnh viện tuyến huyện thì trạm y tế thiếu đến 40 loại cần thiết để điều trị các bệnh mạn tính không lây.
Do đó, Sở Y tế Tp.HCM đề nghị thí điểm mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế trong điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế phường, xã, thị trấn. Danh mục bổ sung 40 loại thuốc dùng trong điều trị ngoại trú bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế gồm: Thuốc giảm đau, hạ sốt; thuốc điều trị tăng huyết áp; thuốc điều trị suy tim; thuốc hạ lipid máu; insulin và nhóm hạ đường huyết; thuốc chữa hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tất cả những loại thuốc này cũng đã được Bảo hiểm xã hội thành phố đồng thuận, nhưng phải được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam có ý kiến chỉ đạo.
Sở Y tế cho biết, triển khai đồng bộ hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm tra bệnh tật; hỗ trợ quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, quản lý thời gian dài tại y tế cơ sở là một trong những công việc và giải pháp chủ yếu đã được nêu rõ trong Nghị quyết 20 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, thiết lập và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Để thực hiện các nội dung trên, Thành phố triển khai nhiều hoạt động hướng đến nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở như xây dựng và triển khai chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Đồng thời Thành phố đã đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các trạm y tế để chuyển đổi mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, triển khai thí điểm chương trình đào tạo thực hành tại bệnh viện gắn với trạm y tế để cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ mới tốt nghiệp...
Các hoạt động này đã góp phần tạo niềm tin và an tâm công tác cho nhân viên y tế cơ sở, bước đầu thu hút người dân đến với trạm y tế để chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tuy nhiên, thực tế, Tp.HCM vẫn còn tồn tại một số khó khăn tại các trạm y tế phường, xã khi không có đủ các loại thuốc thông thường và cần thiết cho công tác khám, chữa bệnh các bệnh phổ biến cho người dân, nhất là các thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm như: tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản...
Đây cũng là nguyên nhân làm cho người dân chưa hài lòng khi đến khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế. Kết quả khảo sát nhanh của Sở Y tế (tháng 8/2022) về ý kiến của người dân khi đến khám tại các bệnh viện để nhận các điều trị bệnh không lây nhiễm cho thấy, có đến gần 80% sẵn sàng đến với y tế phường, xã thay vì bệnh viện nhưng với điều kiện các trạm y tế được cung ứng đầy đủ thuốc điều trị ngoại trú như nói trên.
Trong khi đó, hiện nay, danh mục thuốc theo phân tuyến kỹ thuật được quỹ bảo hiểm y tế chi trả tại tuyến trạm y tế chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu điều trị các bệnh không lây nhiễm. Do đó, khi đã điều trị ổn định tại bệnh viện tuyến quận, huyện, người dân có nhu cầu muốn về tiếp tục theo dõi và điều trị tại các trạm y tế thì không có đủ thuốc đáp ứng theo chỉ định điều trị của bệnh viện, điều này buộc người bệnh phải tiếp tục đến khám và điều trị tại các bệnh viện.
Nhằm hướng đến mục tiêu "Trạm y tế thực hiện dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm" thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, UBND Thành phố đề nghị Bộ Y tế chấp thuận cho triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc BHYT cho trạm y tế đối với 40 loại thuốc.
40 loại thuốc này thuộc danh mục thuốc của bệnh viện hạng III, IV theo thông tư số 30 năm 2018 nhằm mục tiêu đáp ứng cung ứng thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, Thanh Niên)