Ở các kỳ trước, Báo điện tử Người Đưa Tin đăng loạt bài nói về các tiểu thương chợ An Đông bức xúc vì chợ xuống cấp trầm trọng, tình hình kinh doanh ngày càng ế ẩm.
Nhưng UBND quận 5, Ban Quản Lý chợ chậm tiến hành sửa chữa, nâng cấp như đã cam kết trong hợp đồng. Dù kế hoạch sửa chữa đã có 3 năm trước, đồng thời, bà con đã đóng đủ số tiền hơn 217 tỷ đồng từ năm 2013 thông qua hợp đồng giữa tiểu thương và BQL chợ (các tiểu thương cho là 219 tỷ đồng và có ghi âm về con số này).
Ngày 10/11, tại cuộc họp với các tiểu thương, ông Phạm Quốc Huy, chủ tịch UBND quận 5 cho biết, dự kiến đến giữa tháng 12 này sẽ tổ chức đấu thầu 02 hạng mục: Cải tạo hệ thống phòng cháy chữa cháy và ô giếng trời, nội - ngoại thất. Đây là 02 hạng mục được ưu tiên thực hiện trước.
Và thời gian khởi công dự kiến vào tháng 2/2017, sau khi công bố đơn vị trúng thầu. Với 2 hạng mục còn lại: Hệ thống xử lý nước thải và lắp đặt 02 thang máy nâng tải khách sẽ được thực hiện sau, hoặc song song tùy theo tiến độ và tính chất công việc của 2 hạng mục trước.
Sửa chợ phải đảm bảo tiến độ, an toàn tài sản
Trước những bức xúc khiếu nại của tiểu thương chợ An Đông, ngày 14/11, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã làm việc với các sở ngành chức năng và UBND quận 5 về tình hình giải quyết khiếu nại của tiểu thương và tiến độ thực hiện nâng cấp, sửa chữa chợ An Đông.
Tại cuộc họp, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5 báo cáo với Phó chủ tịch thành phố về quá trình nhận đơn thư khiếu nại của các tiểu thương chợ An Đông và các bước giải quyết trong thời gian qua, đồng thời nêu rõ kế hoạch nâng cấp sửa chữa chợ trong thời gian tới.
Sau khi nghe báo cáo, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đồng ý với trình tự giải quyết các vấn đề khiếu nại, đề nghị của UBND quận 5 đối với tiểu thương. Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, việc nâng cấp, sửa chữa chợ An Đông là công trình được thực hiện bằng ngân sách Nhà nước nên UBND quận 5 phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND thành phố về tiến độ thực hiện, chất lượng công trình, tuyệt đối không để lãng phí, thất thoát.
Trong quá trình thực hiện, việc lấy ý kiến đóng góp của thương nhân là cần thiết, song phải đúng quy trình. Ngược lại thương nhân đóng góp ý kiến cũng phải dựa trên tinh thần xây dựng để việc nâng cấp trung tâm được tốt hơn.
Nếu thương nhân có ý kiến thắc mắc giống nhau thì BQL có thể triệu tập để giải thích tập thể. Những vấn đề thiên về kỹ thuật thì phải tổ chức người có chuyên môn đứng ra giải thích và nên giải thích kịp thời giúp thương nhân hiểu để cùng hợp sức đẩy nhanh tiến độ công việc.
Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến lưu ý: “Cái khó trong việc sửa chữa, nâng cấp chợ An Đông là việc thi công chỉ diễn ra vào ban đêm, ban ngày tiểu thương vẫn kinh doanh. Do vậy, việc đảm bảo an toàn trong quá trình sửa chữa và bảo toàn tài sản cho tiểu thương phải là ưu tiên hàng đầu.
UBND quận 5 cần lên phương án thi công thật chi tiết, bài bản nhằm tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Chợ An Đông không chỉ là nơi kinh doanh, mà còn là điểm thu hút khách du lịch.
Vì vậy, với những hạng mục cụ thể, như công trình nhà vệ sinh, thì cần thay đổi, bổ sung để tiếp tục nâng cấp theo hướng văn minh, hiện đại cũng phải được đầu tư đến nơi, đến chốn trên cơ sở tiết kiệm và hiệu quả.
BQL có thể mời đại diện thương nhân tham gia giám sát quá trình thực hiện nhằm minh bạch về nguồn vốn, chất lượng và tiến độ triển khai công trình”.
Đề nghị cấp “Quyền sử dụng sạp”
Tại buổi gặp ngày 28/10, bà Lê thị Loan- Trưởng phòng Kinh tế quận 5 đã xác nhận trước các tiểu thương chợ An Đông là chợ hạng 1 như chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ Lớn... Đồng thời bà nói rõ về trách nhiệm của Phòng kinh tế cùng kết hợp với các tiểu thương đưa thương hiệu chợ An Đông ngày càng phát triển.
Bà con tiểu thương vui mừng trước thông tin Phó chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo quận 5 thực hiện việc sữa chữa chợ đúng tiến độ và hạn chế ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tiểu thương.
Các tiểu thương cũng kiến nghị BQL chợ An Đông, quận 5 xem xét việc điều chỉnh một số điều khoản trong hợp đồng và đề nghị cấp Quyền sử dụng quầy-sạp như những chợ hạng 1 khác đã và đang thực hiện.
Các tiểu thương so sánh, tại sao cũng là chợ hạng 1 nhưng chợ Bến Thành và chợ Bình Tây lại có Giấy chứng nhận Quyền sử dụng sạp hoặc Hợp đồng Quyền sử dụng sạp trong khi chợ An Đông chỉ sử dụng Hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh có thời hạn?
Các tiểu thương đề nghị quận 5, BQL chợ điều chỉnh hợp đồng đơn giản dễ hiểu như các chợ khác và cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng quầy-sạp như những chợ khác, đề các tiểu thương yên tâm hơn trong việc kinh doanh lâu dài tại chợ.
Về thời hạn hợp đồng, các tiểu thương đề nghị quận 5, BQL nên tăng kỳ hạn 20 năm thay vì 10 năm như hiện nay. Các tiểu thương phân tích, với thời hạn hợp đồng 20 năm sẽ tạo kiện thuận lợi trong việc kinh doanh, thu hồi vốn vì hiện nay giá sang nhượng một sạp tại chợ An Đông đã lên con số hàng tỷ đồng. Chưa kể các khoản thuế, phí khác với tình hình kinh doanh khó khăn. Nếu không đủ thời gian thu hồi vốn chủ sạp có nguy cơ phá sản rất cao.
Ngoài ra, các tiểu thương cũng đề nghị lãnh đạo quận 5 xem xét việc miễn, giảm thuế và các chi phí khác trong thời gian sửa chữa, nâng cấp. Các tiểu thương cho rằng, trong quá trình sửa chữa các hạng mục chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, nên đề nghị lãnh đạo quận 5, BQL xem xét và miển, giảm thuế, phí cho tiểu thương.
Điều này, cũng là thể hiện một phần trách nhiệm của quận 5 và BQL trong việc chậm sửa chữa chợ dù kế hoạch đã có 3 năm trước như ông Phạm Quốc Huy, chủ tịch quận 5 và ông Nguyễn Chí Trung đã nhận trách nhiệm và xin lỗi các tiểu thương tại cuộc gặp ngày 10/11 vừa qua.
Đức Mỹ