Đề hay và ý nghĩa với lứa tuổi 18
Thạc sĩ Phan Thế Hoài, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT Bình Hưng Hòa, Tp.HCM, đánh giá đề môn Ngữ Văn năm nay hay, ý nghĩa. Theo đó, bố cục đề thi môn Ngữ văn năm nay không gây bất ngờ cho thí sinh và giáo viên vì đề tương tự như đề thi tham khảo 2023 và đề thi chính thức, kỳ thi THPT 2022.
Vẫn trong thời lượng 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi từ trước tới nay: Phần Đọc hiểu, phần Làm văn 2 câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học trò 18 tuổi.
Phần Đọc hiểu cho ngữ liệu là một đoạn thơ trích "Đi qua cơn giông" của nhà thơ Anh Ngọc và hỏi 4 câu, được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu và vận dụng (thấp).
Câu 1, học sinh dễ dàng trả lời thể thơ tự do. Câu 2, chỉ cần chỉ ra được 2 từ ngữ hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè, chẳng hạn: tiếng sấm gõ, gió bay là đạt yêu cầu. Câu 3, thí sinh chỉ ra biện pháp tu từ so sánh: Mưa ròng ròng như triệu ngón tay. Tác dụng, làm nổi bật trận mưa giông rất lớn. Làm cho câu thơ gợi hình, gợi cảm. Câu 4, thí sinh cần rút ra bài học về lẽ sống từ câu thơ… Cần hiểu được, "cơn giông" là ẩn dụ cho những khó khăn, bất trắc trong cuộc sống mà con người cần phải vượt qua để sống, để thành công... Học sinh có thể đạt mức từ 2,5/3 điểm cho phần này.
Thầy Hoài chia sẻ thêm, phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống từ rút ra từ ngữ liệu ở phần đọc hiểu. Đây là một câu hỏi hay, phù hợp với tâm lí lứa tuổi 18. Tuổi 18 hiện gặp rất nhiều áp lực trong cuộc sống như: học tập, lựa chọn nghề nghiệp, có thể có những bất hòa trong các mối quan hệ với bạn bè, người thân. Vậy nên, tuổi trẻ phải biết cân bằng cảm xúc để làm cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn, giữ các mối quan hệ tốt hơn. Ngược lại, nếu không biết cân bằng cảm xúc, con người sẽ bị trầm cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Học sinh dễ dàng lấy từ 1,25/2 điểm cho phần này.
Đối với câu nghị luận văn học, yêu cầu thí sinh nghị luận về một đoạn văn xuôi cho sẵn trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân. Học sinh cần phân tích được nội dung của phần cuối truyện thông qua 3 nhân vật: bà cụ Tứ, Thị và Tràng. Trong đó, chú trọng nhân vật Thị, Tràng bước đầu hướng về cách mạng để giải phóng mình.
“Qua đó cho thấy, dù viết về cái đói, cái chết nhưng nhà văn Kim Lân vẫn luôn đặt niềm tin vào con người với suy nghĩ lạc quan, hướng về sự sống. Đây cũng chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm. Thí sinh dễ dàng đạt 2,5/5 điểm của câu này. Dự đoán phổ điểm môn Ngữ văn năm nay tương tự năm ngoái. Điểm bài thi dao động từ 6 đến 7 điểm và sẽ có nhiều điểm giỏi”, Thầy Phan Thế Hoài nhận định.
Đề xứng tầm kỳ thi THPT Quốc gia
Theo đánh giá của thầy Võ Minh Nghĩa, giáo viên môn Ngữ Văn, trường THPT Nguyễn Du, Tp.HCM cho biết, đề thi môn Ngữ Văn xứng tầm kỳ thi THPT Quốc gia.
Theo thầy Nghĩa, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay có sự phân hóa cao hơn rất nhiều trong cách tư duy và yêu cầu đối với kỹ năng lập luận so với những năm trước. Với đề này mức độ phân hóa sẽ rất rõ rệt.
Về cấu trúc nhìn chung đề thi gẫn gũi, quen thuộc với học sinh và bám sát đề thi minh hoạ mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó…
Về nội dung và giá trị giáo dục có thể nói hay và sâu. Phần đọc hiểu dung lượng của ngữ liệu tuy ngắn nhưng các câu hỏi khai thác lại có độ khó tương đối và yêu cầu về khả năng nhận định, phân tích. Đặc biệt câu hỏi về xác định lẽ sống cho bản thân từ một dòng thơ mang tính tổng kết của toàn bài cũng gây nhiều khó khăn trong vấn đề suy nghĩ, bàn luận. Như vậy, câu đọc hiểu sẽ khó để học sinh có trọn vẹn điểm số. Nhưng nhìn chung học sinh có thể lấy từ 1,5 đến 1.75 là khá dễ dàng còn từ 2.0 đến 3.0 là sự phân loại lớn.
Cũng theo thầy Nghĩa, đối với phần nghị luận văn học, đề ra tác phẩm "Vợ Nhặt", đây là tác phẩm lớn, nằm trong trọng tâm chương trình ôn tập của các trường.
Tuy nhiên, đoạn văn mà đề lựa chọn ra lại khá khó. Đề đưa ra một đoạn trích mang tính biểu tượng Cách mạng rất cao. Đây là một đoạn trích khó, khó bởi lẽ trong chương trình, thầy cô sẽ thường ít xoáy sâu hoặc có xoáy sâu nhưng để cảm thụ và hiểu thì không đơn giản. Với 2 yêu cầu là phân tích và nhận xét về góc nhìn về cuộc sống của tác giả thì lại có thể làm cho các thi sinh lúng túng.
Thầy Nghĩa cho biết thêm: “Tôi dự đoán nhiều thí sinh sẽ có tâm lý chung khi làm bài là: “Đoạn văn này phân tích như thế nào, bắt đầu viết từ đâu và viết như thế nào”. Theo đó, đoạn văn đã cho sẽ khó trong việc thí sinh tìm ý và phân tích, do vậy bài làm của thí sinh sẽ rất hạn chế về dung lượng và độ sâu. Trong chương trình đoạn trích đó thường được rút ra chỉ có 2 ý là “Sự bắt đầu giác ngộ cách mạng của các nhân vậy và giá trị nhân đạo của nhà văn”.
Do vậy, vừa để phân tích, vừa để nhận xét thì không phải là chuyện đơn giản. Đoạn trích này nằm ở lằn ranh của văn học hiện thực phê phán và văn học cách mạng. Nó chỉ là đôi cánh chắp cho tác phẩm bay đến văn học các mạng. Học sinh không làm sáng được giá trị cốt lõi này sẽ rất khó điểm cao.
“Tôi cho rằng đề thi ngữ văn năm nay sâu và hay vì mang tính phân hóa học sinh rất rõ rệt. Các em có sự đầu tư và khả năng cảm thụ tốt sẽ nhận được kết quả xứng đáng với mức nỗ lực của chính mình. Đối với các em lơ là hoặc khả năng ngôn ngữ hạn chế, mức điểm sẽ có thể dưới trung bình.
Đối với đề văn này, để đạt điểm trên 6,5 cũng là một sự nỗ lực lớn.
Như vậy, theo tôi đề thi năm nay là xứng tầm với kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Với sự phân hóa rõ rệt này, các trường đại học sẽ có được một “tấm lưới” sàng lọc học sinh theo đúng ngành và chuyên ngành các em đã chọn”, thầy Nghĩa cho biết.
Nguyễn Lành