TP.HCM đề xuất cắt giảm xe công: Hạn chế điều xe đi không đúng mục đích

TP.HCM đề xuất cắt giảm xe công: Hạn chế điều xe đi không đúng mục đích

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Thứ 5, 15/03/2018 12:03

Trên địa bàn TP.HCM đang có gần 700 xe ô tô công phục vụ công tác tại các cơ quan, đơn vị của TP. Trong đó, 10 xe ô tô phục vụ tiêu chuẩn chức danh, số còn lại phục vụ chung cho các đơn vị. Hiện, TP.HCM cũng đã đưa ra lộ trình để cắt giảm số lượng xe công trong năm 2018 là 30% và đến năm 2020 là 50%.

Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc sở Tài chính TP.HCM cho biết: “Sở Tài chính đề xuất lộ trình giảm số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, đơn vị trong năm 2018 là 30%, tương đương hơn 200 xe. Và đến năm 2020, sẽ giảm 50% số lượng ô tô công”.

“Số xe công thu hồi sẽ tiến hành thanh lý, nộp tiền vào ngân sách. Số xe công còn lại sẽ gắn biển số trắng thay vì biển số xanh như hiện nay”, bà Thắng cho biết thêm.

Bên cạnh việc cắt giảm, sở Tài chính cũng đang xây dựng đề án thí điểm khoán kinh phí sử dụng ô tô phục vụ công tác chung ở các cơ quan, đơn vị của TP.  Theo thông tin mà PV có được, các bên liên quan đang chuẩn bị trình thường trực UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt đề án này.

Việc thí điểm sẽ áp dụng tại 5 đơn vị, gồm: UBND TP.HCM, sở Tài chính, ban Quản lý An toàn thực phẩm, cùng quận Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.

Cũng theo bà Thắng, việc khoán kinh phí không áp dụng cho trường hợp đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc, mà chỉ khoán kinh phí sử dụng ô tô phục vụ công tác chung trong trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác. Đối tượng áp dụng gồm các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên, loại trừ trường hợp kiêm nhiệm.

TP.HCM đề xuất cắt giảm xe công: Hạn chế điều xe đi không đúng mục đích

Việc khoán kinh phí không áp dụng cho trường hợp đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc.

Ví dụ, các chức danh được khoán xe như Chánh/Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, Giám đốc/Phó Giám đốc sở Tài chính, Trưởng/Phó Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm, Chủ tịch UBND các quận, huyện. Nguồn kinh phí khoán sẽ được lấy trong dự toán ngân sách Nhà nước được giao hàng năm của các đơn vị, cơ quan thực hiện thí điểm.

Ông Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng lực lượng thanh niên xung phong TP.HCM (đơn vị được giao cung cấp, cho thuê phương tiện) cho rằng: “Việc thuê xe công là mới, tuy nhiên nếu tổ chức thực hiện tốt thì hiệu quả sẽ rất lớn. Vì giá cho thuê phù hợp nhưng chất lượng dịch vụ sẽ tiến tới cao hơn như hiện nay”.

Đồng thời, “việc khoán thuê xe sẽ hạn chế được tình trạng điều xe đi không đúng mục đích. Vì khi đó, họ phải trả tiền”, ông Khoa chia sẻ thêm.

TP.HCM đề xuất cắt giảm xe công: Hạn chế điều xe đi không đúng mục đích (Hình 2).

Việc khoán thuê xe sẽ hạn chế được tình trạng điều xe đi không đúng mục đích.

Đồng quan điểm, TS. Trần Thanh Chương, trường đại học Kinh tế TP.HCM cho biết: “Việc khoán hoặc bắt buộc các đơn vị phải thuê xe công sẽ tiết kiệm và mang lại nhiều lợi ích. Ví dụ, TP đang có khoảng 700 xe công, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng sử dụng hết công suất, thậm chí nhiều xe “đắp mền” hoặc phục vụ việc riêng. Do đó, chỉ cần giảm một nửa số xe nhưng vẫn đáp ứng công suất phục vụ thì tiết kiệm được nguồn ngân sách rất lớn”.

Chuyên gia này phân tích thêm: “Ít nhất là không phải đầu tư hơn 300 xe, cho ngân sách “nuôi” số xe này, chi trả tiền lương và các khoản phúc lợi cho tài xế, phí giao thông đường bộ và hàng loạt vấn đề kéo theo khác. Trong khi đó, việc thuê xe vẫn đáp ứng hiệu quả công tác và thông suốt. Vấn đề còn lại là cách thức tổ chức thực hiện”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.