Việc tìm người cao hơn người tìm việc
Hiện nay, các doanh nghiệp đồng loạt tăng tuyển dụng lao động khi đơn hàng quay trở lại hoặc mở rộng quy mô nhà xưởng. Dù đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi để thu hút lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuyển đủ lao động
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh, hiện có một số ngành nghề được doanh nghiệp đặt hàng tuyển dụng nhiều, nhưng lao động tìm việc rất ít.
Cụ thể, với ngành da giày và may mặc, các doanh nghiệp cần tuyển 1.230 người, nhưng chỉ có 145 hồ sơ tìm việc; ngành thực phẩm, đồ uống cần tuyển 1.622 người, nhưng chỉ có 32 hồ sơ tìm việc; ngành kỹ thuật, cơ khí cần tuyển 304 người, nhưng chỉ có 84 hồ sơ tìm việc; ngành xây dựng và kiến trúc cần tuyển 104 người, nhưng chỉ có 4 hồ sơ tìm việc.
Dự kiến quý II/2024, nhu cầu nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 77.000 lao động. Tuyển người đã khó, tuyển rồi nhân công lại bỏ việc, nhảy việc cũng đang là thách thức.
Thiếu hụt từ 5 - 7% nhân sự vì lao động nghỉ việc nhiều mà phần lớn lại là lao động có kinh nghiệm, tay nghề, chính là rào cản lớn nhất cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Nhân sự Công ty cổ phần nhựa Đại Đồng Tiến thông tin: "Sự dịch chuyển lao động từ thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh cũng là vấn đề gây thiếu hụt nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực có tay nghề kỹ thuật cao".
Còn bà Trần Thị Lệ Quyên, phụ trách tuyển dụng Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến tại thành phố Hồ Chí Minh phân tích, thời gian gần đây các doanh nghiệp vừa khó tuyển người mới, vừa thất thoát vì người lao động nghỉ việc để chờ lãnh bảo hiểm xã hội một lần.
“Từ đầu năm đến nay nhà máy ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ tuyển khoảng 30 - 40 người, nghĩa là mỗi tháng chỉ khoảng hơn chục người. Việc tuyển dụng chủ yếu để bù đắp cho số nghỉ việc, trong đó có những người nghỉ để chờ lãnh bảo hiểm xã hội một lần", bà Quyên nói.
Đại diện Công ty TNHH Osung Vina (huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng việc người lao động nghỉ việc để chờ lãnh bảo hiểm xã hội một lần khiến việc tuyển dụng ngày càng khó khăn hơn.
Trước đây công ty tuyển dụng hằng năm do người lao động thay đổi công việc liên tục, nhất là sau nghỉ Tết. Tuy nhiên lúc đó người lao động chỉ chuyển từ công ty này sang công ty khác, còn hiện tại nhiều người lao động nghỉ chờ lãnh bảo hiểm xã hội một lần nên không làm việc hoặc chuyển qua làm thời vụ, công việc tự do hoặc các xưởng nhỏ, xưởng gia đình.
Tăng kết nối cung cầu lao động
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm, Trung tâm đã tiếp nhận 41.456 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 5.944 hồ sơ (tương ứng giảm 12,54%) so với cùng kỳ năm 2023 (47.400 hồ sơ).
Ngoài ra, trung tâm cũng đã tổ chức được 17 phiên giao dịch việc làm, tư vấn việc làm cho hơn 66.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho hơn 6.000 lượt người…
Thống kê cho thấy hiện cung cầu trên thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh vẫn có sự chênh lệch nhất định về ngành nghề. Việc kết nối người tìm việc và việc tìm người cũng chưa đạt hiệu quả cao do các thông tin tuyển dụng và tìm việc đăng tải công khai trên Cổng thông tin việc làm thành phố Hồ Chí Minh chưa được nhiều người biết đến.
Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, Trung tâm dự kiến sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên sàn giao dịch việc làm nhằm kết nối người lao động với doanh nghiệp tốt hơn.
Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ tăng cường thu thập thông tin cung cầu lao động, dự báo thị trường lao động ngắn hạn, mời gọi doanh nghiệp và lao động có nhu cầu phù hợp tham gia sàn giao dịch việc làm nhằm nâng cao hiệu quả kết nối.
Báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở Lao động - Thương binh & Xã hội thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, trong quý II/2024, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển kinh tế theo những định hướng, kế hoạch năm. Thị trường lao động có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề.
Về dự kiến nhu cầu nhân lực quý II/2024, Thành phố cần khoảng 75.470 - 77.168 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 86,41% tổng nhu cầu nhân lực.
Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 24,9%; cao đẳng chiếm 17,63% ; trung cấp chiếm 25,18%; sơ cấp chiếm 18,7%. Nhu cầu tuyển dụng ở lao động phổ thông chiếm tỷ lệ khá thấp với 13,59% tổng nhu cầu nhân lực.