Nợ “khủng”, thu hồi chậm
Theo cục Hải quan TP.HCM, trong số này nợ thuế có khả năng thu hồi là trên 1.144 tỷ đồng, nợ không có khả năng thu hồi là trên 1.400 tỷ đồng. Trong khi đó, tiến độ thu hồi nợ thuế là hết sức chậm chạp. Đơn cử, đến hết tháng 7/2017, Hải quan TP mới thu được trên 42 tỷ đồng tiền nợ thuế, đạt gần 4,5% chỉ tiêu của tổng cục Hải quan giao (gần 940 tỷ đồng). Đến tháng 11/2017, cơ quan này mới chỉ thu được hơn 100 tỷ đồng (khoảng 10% chỉ tiêu).
Trong tổng số nợ nói trên có một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đang nợ số tiền 757 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này đang khiếu nại nên chưa thể thu hồi tiền nợ thuế nên số nợ đã phát sinh lên đến hơn 800 tỷ đồng. Như vậy, số nợ thuế của các doanh nghiệp ô tô đã chiếm phần lớn trong chỉ tiêu thu hồi nợ thuế của ngành hải quan TP.HCM.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, một cán bộ cục Hải quan TP.HCM cho biết: "Gần đây, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp nhập khẩu ô tô theo dạng quà tặng, quà biếu nhưng thực tế khi thông quan lại bán cho các tổ chức, cá nhân khác. Sau khi giải quyết hết hàng, các doanh nghiệp này lại tuyên bố phá sản. Đây là thực trạng vô cùng nhức nhối. Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều nghi vấn liên quan tới tình trạng nhập khẩu ô tô".
Thực tế, tính đến ngày 10/11/2017, tại các cảng thuộc chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 đang tồn đọng 45 container và lô hàng rời. Số hàng này tập trung tại 3 cảng là VICT, Lotus và Tân Thuận. Tại cảng VICT còn hàng chục xe ô tô hạng sang nhập khẩu đang thuộc diện hàng tồn đọng. Số xe ô tô này nhập về cảng nhiều tháng nay, có những chiếc được nhập khẩu từ năm 2016 nhưng doanh nghiệp vẫn chưa đến làm thủ tục thông quan, trong đó có nhiều xe sang như Mercedes, Lexus, BMW...
Một chiêu thức khác là các doanh nghiệp này liên tục nhập khẩu mặt hàng ồ ạt nhưng khai báo với giá trị rất thấp, sau đó biến mất. Điển hình như công ty TNHH MTV Long Sơn Nguyễn mới được cấp giấy phép từ ngày 30/3/2016 hay công ty TNHH Asia Join cũng được cấp phép hoạt động ngày 11/5/2016. Còn công ty TNHH Nguyễn Phụng có ngày cấp giấy phép hoạt động là 10/5/2016... Chỉ trong thời gian ngắn nhưng các doanh nghiệp đã nhập khẩu liên tục nhiều mặt hàng và trốn thuế.
Một đại diện cục Hải quan TP.HCM cho biết thêm: “Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng này thường nhập khẩu ồ ạt nhiều lô hàng trong thời gian ngắn, hạ giá hàng nhập khẩu xuống mức thấp nhất. Đồng thời né tránh các biện pháp hậu kiểm của cơ quan hải quan nhằm trốn thuế, rồi ngừng hoạt động, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng...”.
Nhiều “ông trùm” bỏ trốn
Ngoài các đơn vị nói trên, hiện nay, việc áp dụng những biện pháp thu hồi nợ thuế cũng rất khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp “ma”. Điển hình công ty CP Liên Á Châu có khoản nợ thuế lớn, với gần 37 tỷ đồng hay công ty TNHH MTV Long Sơn Nguyễn trên 21 tỷ đồng, rồi công ty TNHH Vũ Hồng Minh nợ trên 13,6 tỷ đồng... Hiện vẫn chưa thể thu hồi do chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh.
Cũng bằng chiêu thức trên, một số cái tên khác như: Công ty TNHH Văn Thịnh nợ trên 6,3 tỷ đồng, công ty TNHH Asia Join nợ trên 4,5 tỷ đồng hay công ty TNHH Gấu Đỏ nợ gần 4,5 tỷ đồng... Tìm hiểu thêm về các doanh nghiệp này, PV cũng ghi nhận tình trạng “vườn không nhà trống” tại các địa chỉ mà họ đã đăng ký kinh doanh. Điển hình, tìm đến công ty TNHH MTV Long Sơn Nguyễn có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại tầng 19, khu A, số 4 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1 có ngành nghề chính là buôn bán thực phẩm. Tuy nhiên, khi PV tìm đến, nhân viên trực tòa nhà cho biết: “Công ty đã hết hợp đồng thuê văn phòng vào ngày 22/3/2017. Sau thời gian trên, họ chuyển đi đâu không rõ”.
Điều đáng nói, tìm thông tin của doanh nghiệp này trên cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì thấy tình trạng đang hoạt động và có người đại diện pháp luật là Trần Nhật Quan Sơn. Hay công ty TNHH Asia Join có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 475D Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, có người đại diện pháp luật là Nguyễn Văn Thịnh... Công ty này cũng đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm nhưng thực tế không còn hoạt động tại địa chỉ này.
Tương tự, công ty TNHH Nguyễn Phụng có người đại diện pháp luật là Nguyễn Thị Kim Hồng, đăng ký địa chỉ kinh doanh tại số 17 Hồ Bá Kiện, phường 15, quận 10. Người đại diện pháp luật là Nguyễn Thị Kim Hồng cũng có ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm. Nhưng tại địa chỉ trên không hề có công ty nào tên Nguyễn Phụng.
Liên quan tới các doanh nghiệp “ma” này, mới đây, cục Hải quan TP.HCM cho biết, đơn vị đã có công văn gửi bộ Công an hỗ trợ truy tìm giám đốc của 19 doanh nghiệp nợ thuế nhưng đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Để tiến hành việc thu nợ thuế, ngoài thực hiện các biện pháp như nhắn tin nhắc nợ, gọi điện thoại, gửi thông báo, giấy mời... mà doanh nghiệp vẫn không thực hiện, ngành hải quan sẽ tiến hành lập hồ sơ.
Bước tiếp theo sẽ tiến hành xác minh lai lịch doanh nghiệp tại cơ quan thuế, sở Kế hoạch & Đầu tư, ngân hàng và cả công an... Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này cũng chưa truy được các ông trùm thực sự phía sau. Với nhiều doanh nghiệp, cơ quan hải quan đã gửi yêu cầu các chi cục thuế trừ vào số tiền thuế mà doanh nghiệp được hoàn lại, đồng thời áp dụng biện pháp “thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng”.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này bán hàng không xuất hóa đơn hoặc đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, do vậy biện pháp này cũng không thể thực thi. Hơn nữa, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế như trích tiền lương, kê biên tài sản... cũng đi vào ngõ cụt khi không xác minh được địa chỉ doanh nghiệp và không có tài sản để kê biên”, cán bộ cục Hải quan TP.HCM cho biết thêm.
Một biện pháp là truy tìm số tài khoản và cưỡng chế nhưng nhiều doanh nghiệp không có thông tin về tài khoản, hoặc nếu có thì số dư bằng 0 hoặc còn rất ít, do đó, không thu hồi đủ số thuế mà doanh nghiệp đang nợ. Điều đáng nói, rất nhiều doanh nghiệp trên thực tế không còn hoạt động nhưng thông tin tại cơ quan thuế, kế hoạch – đầu tư, cổng thông tin doanh nghiệp Quốc gia... thì vẫn trong tình trạng “đang hoạt động”, dẫn tới số nợ thuế ngày tăng lên, do chưa làm thủ tục giải thể, đóng mã số thuế.
Biện pháp mạnh vẫn... bế tắc Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng cục Hải quan TP.HCM (phụ trách cục Hải quan TP.HCM) cho biết: "Thời gian qua, ngành hải quan đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ thuế như xây dựng sổ tay nghiệp vụ quản lý nợ, phối hợp với ngành thuế, ngân hàng, công an... để thu hồi. Trong đó, một số trường hợp nợ thuế lớn, mới phát sinh gần đây, cục Hải quan đã chuyển cho công an để phối hợp truy tìm giám đốc. Đồng thời, cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung lực lượng, khắc phục khó khăn, áp dụng các biện pháp quyết liệt để thu hồi nợ thuế". |