Ngày 16/11, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tp.HCM cho biết, Thành phố đang đối diện tình trạng thiếu vắc-xin dài hạn. Trong đó, thiếu rất nhiều vắc-xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia: sởi đơn, DPT (bạch hầu - uốn ván - ho gà), viêm não Nhật Bản, MR (sởi - rubella), OPV (bại liệt).
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết, hiện có 3 nhóm đối tượng tiêm vắc-xin cần quan tâm. Thứ nhất là trẻ sinh năm 2019, cần tiêm sởi mũi 2, tiêm nhắc DPT. Ở quy mô toàn thành phố, sởi mũi 2 còn thiếu 10%, tương đương 11.000 trẻ chưa tiêm còn DPT thì thiếu rất nhiều.
Với trẻ sinh năm 2020, hiện thành phố đã tiêm chủng đầy đủ cho lứa trẻ này là 94,7%, thiếu 0,3% quy mô toàn thành phố. Nhưng xét quy mô phường, xã thì số trẻ thiếu lên đến 1.200 em, vì có những quận, phường đạt chỉ tiêu rất cao nhưng có những nơi không đạt chỉ tiêu 95%.
Tuy nhiên, nỗi lo của thành phố là những trẻ sinh năm 2020, tỉ lệ trẻ được tiêm đủ 2 mũi sởi chỉ mới đạt 82,3%, thiếu 12,7% so với chỉ tiêu, tương đương 12.255 trẻ. Chỉ có quận Gò Vấp đạt tiêm chủng sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2020. Với trẻ sinh năm 2021, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cũng chỉ mới đạt 82,7%, thiếu 12,3%, tương đương 10.000 trẻ chưa được tiêm.
Đây là nguy cơ lớn gây bùng phát dịch ở cộng đồng, trong quy mô những phường, xã không được tiêm chủng đầy đủ.
Ngày 16/11, Sở Y tế Tp.HCM cho biết, UBND thành phố đã có quyết định về việc tổ chức lại Trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện và Tp.Thủ Đức thuộc Sở Y tế, đưa về quận, huyện và Tp.Thủ Đức quản lý. Sở Y tế thành phố đã làm việc với 22 TTYT và thống nhất ngày chính thức các TTYT trực thuộc UBND quận, huyện là 1/1/2023. Hiện, các TTYT quận, huyện đang làm thủ tục pháp lý để chuyển giao thuận lợi, tránh làm ảnh hưởng đến người dân.
Trước đó, Tp.HCM đã có nhiều công văn gửi Bộ Y tế báo cáo thực trạng thiếu vắc-xin và những nguy cơ bùng phát dịch, nhất là dịch sởi có thể xảy ra, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Liên quan vấn đề này, chia sẻ với Infonet, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược Tp.HCM cho biết, khi thiếu vắc-xin có thể xảy ra 2 nguy cơ:
Thứ nhất, tăng nguy cơ mắc bệnh ở cá thể. Trẻ thiếu kháng thể có thể nhiễm bệnh ví dụ như sởi, ho gà…
Thứ hai, theo PGS Dũng, thiếu vắc-xin sẽ gây mất lòng tin ở người dân. Nhiều người cho con đi tiêm đúng lịch nhưng khi đến tiêm không còn vắc-xin họ sẽ không còn tin tưởng vào chương trình tiêm chủng mở rộng nữa.
Trong lịch sử, dịch xảy ra vì không tiêm vắc-xin là dịch sởi năm 2014 ở miền Bắc do người dân sợ không cho con đi tiêm. Từ đợt dịch này, PGS Dũng cho rằng khó xảy ra dịch sởi như năm 2014 nhưng vẫn có thể có ca nhỏ lẻ.
BS Trương Hữu Khan, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Tp.HCM cho rằng thiếu vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là điều “không thể chấp nhận”. BS Khanh lo ngại, sau 2 năm Covid-19 tỉ lệ trẻ tiêm vắc-xin không đạt do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội và mới đây là gián đoạn nguồn cung ứng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên nguy cơ dịch tái bùng phát là lớn hơn rất nhiều so với những đợt dịch trước.
Bởi vì, có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn không có tiền cho con em tiêm dịch vụ. Trong khi đó, các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ phòng bệnh được bằng vắc-xin. Đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng hay giữ con ở nhà đều không phòng được các bệnh này.
Ông Khanh cho rằng ngành y tế cần nhanh chóng tìm nguồn vắc-xin phòng để tiêm cho trẻ nhỏ. Việc thiếu vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng là vấn đề nghiêm trọng, cần phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao.
Bác sĩ Khanh cho biết, ví dụ với vắc-xin sởi, nếu trẻ em dưới 12 tháng tuổi không may mắc sởi thì nguy cơ chuyển nặng và biến chứng sang viêm phổi là rất cao. Đồng thời, tốc độ lây lan của sởi rất mạnh, thậm chí còn mạnh hơn Adenovirus, vì vậy cần phải có biện pháp để kịp thời tiêm vắc-xin phòng ngừa cho trẻ.
Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, Infonet)