Nhu cầu lao động tăng cao
Giữa tháng 3/2024, báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lên đến hàng nghìn lao động để thực hiện các đơn hàng đầu năm.
Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động dẫn chứng, công ty có quy mô công nhân nhất thành phố Hồ Chí Minh là PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 1.000 lao động. Đáng chú ý, công ty sẵn sàng tuyển dụng lao động trên 40 tuổi vào làm việc nếu đáp ứng các nhu cầu về thâm niên, tay nghề. Đây đợt tuyển lớn nhất của Pouyuen Việt Nam kể từ khi cắt giảm gần chục nghìn lao động năm ngoái.
Thực tế, kể từ sau Tết Nguyên đán, nhờ đơn hàng phục hồi, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố cũng ồ ạt thông báo tuyển lao động với số lượng lớn.
Như Công ty TNHH Nidec Việt Nam ở khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh đang cần tuyển gấp 1.000 lao động độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi. Mức thu nhập dao động 9-14 triệu/tháng, bao gồm lương cơ bản hơn 1,7 triệu đồng và các khoản bảo hiểm xã hội, tiền chuyên cần, tăng ca, phụ cấp đi lại...
Công ty TNHH Việt Thắng Jean, thành phố Thủ Đức cũng đang có nhu cầu tuyển dụng 50 lao động phổ thông và 50 lao động có tay nghề may. Doanh nghiệp này chỉ yêu cầu lao động có sức khỏe, không yêu cầu độ tuổi. Thu nhập 8-12 triệu đồng/tháng và phụ cấp thêm 700.000 đồng/tháng.
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA), dự kiến trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp ở các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng hơn 10.500 lao động. Trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên gần 1.000 người, lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp là hơn 550 người và gần 8.800 lao động phổ thông.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp nhận thông tin đăng ký tuyển dụng của 102 doanh nghiệp với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 20.000 vị trí việc làm.
Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều ở các ngành da giày - may mặc, chiếm 42,76% tổng nhu cầu tuyển dụng; lao động phổ thông (chiếm 12,15%); kinh doanh - quản lý (chiếm 11,27%); công nghệ thông tin (chiếm 5,61%); kỹ thuật - cơ khí (chiếm 5,27%) và ngành nghề khác khoảng 22,94%.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động
Theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên thành phố Hồ Chí Minh, vừa qua, đơn vị này đã tiếp nhận thông tin đăng ký tuyển dụng của các doanh nghiệp với tổng nhu cầu gần 3.000 vị trí việc làm.
Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều ở các ngành dệt may – da giày; lao động phổ thông; chăm sóc khách hàng, điện thoại viên, quảng cáo; tiếp thị, bán hàng, du lịch, nhà hàng, khách sạn…
Để người lao động đang có nhu cầu tìm việc làm dễ dàng tiếp cận với nhà tuyển dụng, hiện nay, nơi cửa ngõ vào thành phố Hồ Chí Minh như tại Bến xe miền Tây (quận Bình Tân), Bến xe miền Đông mới (thành phố Thủ Đức)… đều có quầy thông tin tuyển dụng và nhân viên Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố cùng các doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn, giới thiệu và tuyển dụng người lao động mỗi ngày.
Tuy nhiên, yếu tố tay nghề là rào cản so với số lượng nguồn nhân lực. Ông Ngô Thành Phát, Giám đốc điều hành Tổng Công ty CP May Việt Tiến cho biết ứng viên đến nộp hồ sơ nhiều nhưng doanh nghiệp tuyển được rất ít vì yêu cầu công nhân may phải có tay nghề.
"Nếu tuyển ồ ạt nhưng NLĐ vào làm việc không đạt, công ty phải tốn chi phí đào tạo, trả lương thì càng khó. Vì thế, chủ trương của ban giám đốc chọn kỹ ứng viên", ông Phát chia sẻ.
ThS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, do hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, tác động mạnh đến thị trường lao động dẫn đến rất nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp quy mô lớn cũng bị ảnh hưởng, hàng ngàn người lao động bị mất việc, giảm giờ làm ở các lĩnh vực như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến gỗ...
Không thể tham gia thị trường lao động, nhiều người đã trở về quê và ổn định cuộc sống, họ không trở lại thành phố Hồ Chí Minh. Sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp đồng loạt tuyển số lượng lao động lớn với mức lương có tăng nhẹ so với trước (từ 8 - 12 triệu đồng/tháng), nhưng mức sống tại thành phố khá cao nên mức lương này chưa hấp dẫn.
"Các thông tin tuyển dụng tuy đưa ra mức thu nhập có tính khuyến khích, tiền thưởng cho người giới thiệu nhưng chưa thể hiện được tính bảo đảm công việc ổn định lâu dài nên không thu hút nhiều người lao động" - ông Tuấn phân tích.
Nói thêm, ông Tuấn chỉ ra, những năm tới, thị trường lao động Việt Nam sẽ nổi lên 4 xu hướng, gồm: gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; gia tăng "khởi nghiệp, tự tạo việc làm".
Song song đó, việc đầu tư máy móc, công nghệ sẽ dần phổ biến; dự báo có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ - trình độ thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao.