Tại cuộc họp giao ban mầm non do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tp.HCM tổ chức sáng 19/1, bà Lương Thị Hồng Điệp (Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Tp.HCM) đã chia sẻ cụ thể về kế hoạch đảm bảo an toàn đón trẻ trở lại trường sau Tết Nguyên đán.
Về kế hoạch cụ thể, bà Lương Thị Hồng Điệp thông tin, trong ngày đầu tiên trẻ đi học trở lại, giáo viên sẽ làm quen trẻ, hướng dẫn trẻ thực hiện các thao tác vệ sinh cá nhân (rửa tay, đeo khẩu trang, sát khuẩn đúng cách…). Đồng thời, hướng dẫn trẻ sử dụng đồ dùng ăn uống cá nhân, đi vệ sinh đúng nơi quy định cũng như dạy trẻ kỹ năng và các quy tắc khi đến trường đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh...
Trong ngày thứ 2 sẽ tập trung giáo dục trẻ ý thức giữ gìn bản thân, nhận biết các biểu hiện bệnh (sốt, ho, mệt...), xử trí kịp thời qua việc trao đổi với giáo viên hoặc bạn. Tổ chức các trò chơi theo nhóm nhỏ tăng cường vận động, kết nối trẻ với trẻ, cô với trẻ.
Vào ngày thứ 3, trẻ tiếp tục được củng cố các thói quen vệ sinh cá nhân, ý thức thực hiện 5K. Tăng cường các hoạt động, trò chơi theo nhóm nhỏ để củng cố cho trẻ kiến thức và kỹ năng đã được hỗ trợ qua clip.
Ngày thứ 4 sẽ mở rộng các hoạt động giáo dục, chú trọng các vận động phát triển thể chất nhằm khích lệ tinh thần, tăng cường sức khỏe cho trẻ. Giúp trẻ nâng cao kỹ năng tự phục vụ bản thân và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Ngày thứ 5 trường sẽ dạy trẻ nhận biết các thực phẩm dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, các kỹ năng sống thích ứng trong mùa dịch. Chú trọng tổ chức các hoạt động cốt lõi đảm bảo nội dung trong bộ tiêu chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi nhằm chuẩn bị nền tảng, kỹ năng học tập trước khi vào lớp 1.
Sau mỗi tuần, phòng GD&ĐT các quận, huyện và Tp.Thủ Đức sẽ đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND địa phương điều chỉnh phương án theo hướng mở dần với các lứa tuổi và phù hợp với tình hình thực tế.
Dự kiến thời gian đầu sẽ chỉ tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ mẫu giáo từ 3 - 6 tuổi. Nhóm trẻ dưới 3 tuổi sẽ đến trường sau đó. Việc cho trẻ 3-6 tuổi đi học trước giúp các trường từng bước thích ứng, có kinh nghiệm xử lý tình huống khi cho toàn bộ trẻ đi học lại.
Thời gian này, các trường mầm non được tổ chức bán trú nhưng không có ăn sáng. Phân luồng và tổ chức đón, trả trẻ tại cổng trường hoặc các khu vực phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Hướng dẫn trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và một số nội dung về công tác phòng chống dịch. Sử dụng tối đa diện tích phòng, nhóm để bố trí các hoạt động phù hợp, tránh tập trung đông trẻ vào một chỗ chơi. Hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung trẻ giữa các khối, lớp.
Trước đó, UBND Tp.HCM ban hành kế hoạch khung thời gian năm học 2021-2022 với giáo dục mầm non. Trẻ đến trường từ tháng 2 trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, dự kiến kết thúc năm học vào cuối tháng 7.
Nhiều phụ huynh vui khi trường mầm non được mở cửa, bởi họ phải xoay xở đủ cách trông con từ tháng 10/2021. Trong khi đó, một số lưỡng lự vì trẻ mầm non chưa được tiêm vắc-xin, dịch còn phức tạp.
Việc mở cửa trường mầm non cũng nằm trong phương án tổ chức dạy trực tiếp sau Tết Nguyên đán, được Sở GD&ĐT Tp.HCM trình Thường trực UBND Tp. HCM ngày 17/1. Theo đó trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 được đi học trực tiếp từ 14/2 trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ. Phương án đang được UBND Tp. HCM xem xét.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Lao Động)