Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội hơn 10 năm, số nợ cực khủng
Theo báo cáo mới nhất từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Tp.HCM, tính đến hết tháng 9/2024, đã có 16.929 doanh nghiệp trên địa bàn chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của hàng chục nghìn người lao động. Tổng số tiền chậm đóng lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó nổi bật là hai doanh nghiệp lớn với khoản nợ bảo hiểm vượt 81 tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, trụ sở tại quận 3, với số tiền chậm đóng gần 42,9 tỷ đồng. Xếp ngay sau là Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (quận 1), với số tiền nợ bảo hiểm lên tới hơn 39,1 tỷ đồng. Chỉ riêng hai công ty này đã đóng góp một phần lớn trong số tiền chậm đóng của toàn thành phố.
Trong danh sách BHXH Tp.HCM công bố, ngoài các doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính và nỗ lực khắc phục, còn nhiều công ty “chây ì”, nợ BHXH trong thời gian dài, thậm chí hơn một thập kỷ. Chỉ riêng 10 trang đầu tiên của danh sách dài 342 trang, đã có tới 8 doanh nghiệp chậm đóng BHXH hơn 100 tháng.
Đứng đầu về thời gian nợ đọng là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 (quận Bình Thạnh), chậm đóng BHXH đến tháng thứ 130 với tổng số tiền nợ gần 9,7 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty TNHH KT Tư Vấn Độc Lập (quận 1), chậm đóng đến tháng thứ 118, với số tiền nợ hơn 2 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận tình trạng chậm đóng kéo dài, như Công ty Cổ phần Đại Nam Việt (quận 1) với hơn 6 tỷ đồng, chậm đóng đến tháng thứ 109; Công ty Cổ phần Sông Hồng Sài Gòn (quận Tân Bình), nợ gần 2,7 tỷ đồng trong 101 tháng.
Các công ty nổi bật với tình trạng nợ kéo dài
Bên cạnh những doanh nghiệp nợ khủng, nhiều đơn vị dù số tiền nợ không lớn nhưng thời gian chậm đóng kéo dài. Ví dụ, Công ty TNHH HWM Contractors Việt Nam (quận 1) chỉ nợ 258 triệu đồng, nhưng đã chậm đóng BHXH đến tháng thứ 110. Tương tự, Công ty TNHH IN XPRESS Việt Nam (quận 3) nợ số tiền nhỏ nhưng kéo dài đến tháng thứ 115.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn, mặc dù nằm trong nhóm nợ nhiều tiền, còn gây chú ý vì thời gian nợ đọng đã lên đến tháng thứ 79, tức hơn 6 năm chưa khắc phục tình trạng.
Vấn đề chậm đóng BHXH không chỉ là vi phạm về tài chính mà còn tác động tiêu cực đến hàng loạt quyền lợi của người lao động như: chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí… Điều này khiến không ít người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là mất quyền lợi bảo hiểm khi nghỉ việc hoặc về hưu.
BHXH Tp.HCM cho biết, họ đang phối hợp với các cơ quan chức năng để áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay như thanh tra, khởi kiện, và thậm chí công khai thông tin các doanh nghiệp chậm đóng trên phương tiện truyền thông nhằm tạo sức ép buộc các đơn vị này phải nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tuy nhiên, với số lượng doanh nghiệp nợ đọng quá lớn, quá trình xử lý có thể sẽ gặp nhiều thách thức. Các biện pháp cần thực hiện quyết liệt hơn nữa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hàng trăm nghìn lao động đang bị ảnh hưởng.
Vấn đề nợ bảo hiểm xã hội kéo dài không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước mà còn đẩy nhiều người lao động vào tình thế thiệt thòi, mất an sinh. Những nỗ lực từ phía cơ quan chức năng là cần thiết, nhưng cần thêm sự vào cuộc mạnh mẽ từ cả doanh nghiệp để giải quyết tình trạng này triệt để.