Thông tin này đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh nêu tại cuộc họp báo chiều 18/1. Theo đó, để quản lý tình trạng gây tiếng ồn bằng karaoke, loa kẹo kéo... ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân, thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng, mạng xã hội lẫn kênh trực tiếp từ phường, xã.
Qua ghi nhận, phần lớn phản ánh tiếng ồn được gửi đến tổng đài 1022, chiếm hơn 80%; số còn lại ở kênh các địa phương. Phía tổng đài ghi nhận có 11.115 tin phản ảnh về tình trạng tiếng ồn, trong đó có hát karaoke bằng loa kẹo kéo.
Trong số này, lượng phản ánh vào cuối tuần gấp cao 1,4 lần ngày thường trong tuần. Đặc biệt, tin phản ánh vào khung 18h đến 22h tối gấp 3,1 lần các thời gian còn lại trong ngày.
Bên cạnh đó, trong số phản ánh đến tổng đài, các địa phương ghi nhận có hơn 5.900 trường hợp vi phạm, nhắc nhở 5.884 trường hợp, trong đó xử phạt 45 trường hợp. So với năm 2022, số trường hợp giảm 1,46 lần.
Để quản lý tình trạng ảnh hưởng tiếng ồn, đảm bảo chất lượng sống của người dân dịp tết Nguyên đán, ông Trần Nguyên Hiền, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở này sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục thực hiện nghiêm việc xử lý vấn nạn tiếng ồn theo chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, quy định của UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng giao lực lượng công an chỉ đạo, giao trách nhiệm trực tiếp cho công an từng quận, huyện, trưởng công an xã phụ trách công tác phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời về vi phạm tiếng ồn.
Công an địa phương cũng chịu trách nhiệm về mâu thuẫn, tranh chấp liên quan; đồng thời lập danh sách, nắm tình hình các hộ, gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng thiết bị âm thanh gây ồn, huyên náo.
Người đứng đầu các quận, huyện có trách nhiệm lên kế hoạch tuyên truyền, vận động, kịp thời nhắc nhở người dân tuân thủ quy định về tiếng ồn.