TP.HCM: Gần vạn xe máy vô chủ, bán 'sắt vụn' cũng khó!

TP.HCM: Gần vạn xe máy vô chủ, bán 'sắt vụn' cũng khó!

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Thứ 4, 03/05/2017 10:21

Hiện nay, Công an TP.HCM đang tạm giữ gần chục ngàn chiếc xe gắn máy nhưng không có chủ đến nhận. Tới đây, cơ quan chức năng sẽ thanh lý, bán đấu giá… dưới dạng sắt vụn.

Không dễ “bán”

Theo thông tin mà PV có được thì hiện nay, phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM đang tạm giữ gần 10.000 xe gắn máy các loại. Tất cả số xe này được lưu tại các kho của PC67, chuẩn bị thủ tục bàn giao cho sở Tài chính TP.HCM tiến hành các bước tiếp theo để thanh lý, bán đấu giá, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, chưa biết đến thời điểm cụ thể nào thì số phương tiện nói trên sẽ được thanh lý, bán đấu giá.

Để rõ hơn về kế hoạch thanh lý, bán đấu giá số tài sản nói trên, PV đã liên hệ với lãnh đạo sở Tài chính TP.HCM. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn của Sở này cho biết: “Hiện chưa có bất cứ thông tin nào về kế hoạch này”.

Xã hội - TP.HCM: Gần vạn xe máy vô chủ,  bán 'sắt vụn' cũng khó!

Công an TP.HCM đang tạm giữ gần 10.000 xe gắn máy các loại.

Thực tế, theo quy định, khi hết thời hạn tạm giữ mà chủ phương tiện không đến làm thủ tục đóng phạt, nhận lại xe thì cơ quan công an phải đăng thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở. Sau thời hạn 30 ngày, nếu chủ phương tiện không đến nhận thì cơ quan sẽ ban hành quyết định tịch thu tang vật. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, quy trình này không dễ dàng. Để “xử lý” được một chiếc xe, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xác minh địa chỉ, nơi cư trú người vi phạm, giám định số khung, số máy... sau đó mới bàn giao cho sở Tài chính. Việc thanh lý cũng phải trải qua nhiều quy trình khác như thông báo trên toàn quốc, thành lập hội đồng định giá, mời thầu, đấu giá... có khi 5 – 7 năm mới xong.

Luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Thái Hùng, đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Nguyên nhân của tình trạng bỏ phương tiện thì có nhiều: Phương tiện có giá trị thấp, nguồn gốc bất hợp pháp, không chính chủ... Và số lượng này ngày càng tăng lên, do nhiều người không đến nhận, cơ quan chức năng chưa thể thanh lý, bán đấu giá tài sản”.

Nhiều “xế” mù

Thực tế, dù được lưu giữ tại các kho, bãi nhưng đa phần trong số này là các phương tiện “đã mất giá”. Ví như tại kho của PC67 ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM hiện đang tạm giữ gần 5.000 xe gắn máy các loại. Đây là số phương tiện do các đội Bàn Cờ, An Sương, Tân Sơn Nhất, Nam Sài Gòn và trạm Tân Túc đưa về. Điều đáng nói, trong hàng ngàn chiếc xe này, rất nhiều xe không có giấy tờ, nguồn gốc. Theo tìm hiểu của PV, số xe này được cơ quan chức năng ra quân thực hiện xử phạt trên địa bàn TP.HCM trong thời gian vừa qua. Và biển số được gắn “tứ tung”, từ Tây Ninh, Bình Phước cho tới các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Yên Bái...

Ngoài số xe lưu giữ trong các kho vẫn còn hàng loạt xe phơi mưa, phơi nắng bên ngoài. Chủ yếu, số xe dựng ở ngoài kho đã cũ, nát. Theo một cán bộ làm nhiệm vụ cho biết: “Việc bảo quản xe tốt, không có hiện tượng xe bị tráo đổi các phụ tùng, máy móc. Còn chuyện trầy xước thì không thể đảm bảo được 100%. Đồng thời, để đảm bảo an toàn công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), đơn vị đã thực hiện tốt việc sắp xếp, phân loại phương tiện theo các khu vực, có trang bị đầy đủ hệ thống PCCC”.

Xã hội - TP.HCM: Gần vạn xe máy vô chủ,  bán 'sắt vụn' cũng khó! (Hình 2).

Không ít trường hợp thanh lý, đấu giá xong cũng chưa chắc đã thu được tiền phạt, do phương tiện bán theo... giá sắt vụn.

Nói thêm về vấn đề này, luật sư Hùng cho rằng: “Đây là thiệt hại rất lớn. Thứ nhất, tài sản bị hư hỏng, xuống cấp, mất giá trị. Thứ hai, Nhà nước thất thu các khoản xử phạt (đã ra quyết định nhưng chưa thu được tiền phạt). Không ít trường hợp thanh lý, đấu giá xong cũng chưa chắc đã thu được tiền phạt, do phương tiện bán theo... giá sắt vụn. Đó là chưa tính tới các chi phí như kho bãi, nhân lực, lưu giữ phương tiện...”.

Để giảm bớt các thiệt hại và áp lực cho cơ quan chức năng, TS. Nguyễn Văn Hoà, chuyên gia xã hội học, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho rằng: “Khi xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, đặc biệt là đối với việc tạm giữ phương tiện thì chỉ nên áp dụng với những hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng hoặc khi lực lượng làm nhiệm vụ có căn cứ xác định phương tiện đó không rõ nguồn gốc, bất hợp pháp”. TS.Hoà khuyến nghị: “Nên rút ngắn thời gian thanh lý, đấu giá để vừa giảm áp lực cho các kho, bãi, đồng thời, nâng cao giá trị tài sản. Việc rút ngắn thời gian này không phải là để thách đố đối với người dân trong việc giải quyết các thủ tục nhận lại xe, ngược lại còn hối thúc họ có trách nhiệm hơn đối với tài sản của mình, nếu đó là tài sản hợp pháp”.

Luật sư Hùng cũng nêu giải pháp: “Để tránh những thiệt hại này, cơ quan chức năng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp liên quan. Điển hình là hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc xử lý hành chính đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, đặc biệt là việc tạm giữ, xử lý tang vật vi phạm”.

Chưa nắm thông tin

Liên quan đến tiến độ của kế hoạch thanh lý, đấu giá số xe nói trên, PV đã liên hệ với Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu, kiêm người phát ngôn Công an TP.HCM. Đại tá Quang cho biết: “Tôi đi công tác, hiện vẫn chưa về tới Sài Gòn nên chưa rõ được kế hoạch này. Để tôi về nắm lại thông tin rồi sẽ trả lời cho PV”.

Thanh Tùng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.