Chiều 18/7, đoàn công tác Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND Tp.HCM về việc thực hiện chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và chính sách hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Tp.HCM Nguyễn Văn Lâm cho biết, dự kiến Tp.HCM sẽ hỗ trợ cho 1.097.865 NLĐ với tổng kinh phí thực hiện là hơn 1.777 tỉ đồng.
Trong đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 19.726 doanh nghiệp với 683.306 NLĐ. Số đơn vị đã có quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí là 2.032 đơn vị, với 76.374 NLĐ; số tiền chi là 41,072 tỷ đồng. Số lượng đã giải ngân là 203 đơn vị, với 12.928 NLĐ; số tiền đã chi là 6,727 tỷ đồng gồm quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Như vậy, với tổng số 1.097.865 NLĐ, số đã giải ngân là 12.928 NLĐ (chiếm tỉ lệ gần 1,2%) và sau hơn 3 tháng triển khai chính sách, Tp.HCM mới chỉ có 4 địa phương thực hiện chi trả.
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình thực hiện, ông Lâm cho hay, do đặc thù thành phố có số lượng doanh nghiệp và lao động lớn, vì vậy quá trình triển khai thực hiện cần phải có sự chuẩn bị kỹ về nhân sự, kinh phí hỗ trợ, công tác truyền thông để tổ chức, doanh nghiệp và NLĐ biết.
Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà tại một số doanh nghiệp còn chậm, do nhiều nguyên nhân như doanh nghiệp mong muốn gộp hồ sơ nộp một lần; việc quy định người sử dụng lao động phải đảm bảo chính xác, minh bạch về đối tượng và điều kiện hưởng, do đó cần có nhiều thời gian để rà soát kỹ về tính chính xác của thông tin liên quan đến tình trạng nhà ở của NLĐ.
Cùng với đó, đại diện Sở LĐTBXH Tp.HCM chỉ ra rằng chưa có sự thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trong việc tiếp nhận hồ sơ; đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà đối với trường hợp doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh dẫn đến tình trạng không tiếp nhận hồ sơ của chi nhánh công ty với lý do NLĐ tham gia BHXH tại nơi đặt trụ sở chính (công ty mẹ) không cùng tỉnh, thành phố với chi nhánh công ty.
Một số doanh nghiệp có nhiều chi nhánh ở các tỉnh khác nhau, nhưng danh sách xác nhận NLĐ tham gia BHXH không được tách ra từng chi nhánh mà gộp chung, do đó khi chi nhánh công ty nộp hồ sơ tại Tp.HCM chỉ cung cấp bằng chụp danh sách (bằng photo) sẽ gây khó khăn trong việc xác minh NLĐ làm việc tại chi nhánh đã được giải quyết hỗ trợ tại công ty mẹ hay chưa.
Ngoài ra, theo UBND Tp.HCM, ngành công an yêu cầu UBND cấp huyện khi tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp phải lập danh sách NLĐ có thêm thông tin như họ tên cha mẹ, tình trạng đăng ký cư trú... để chuyển lại cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
UBND Tp.HCM kiến nghị Bộ LĐTBXH và Bộ Công an cần thống nhất về việc tiếp nhận dữ liệu người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà theo đúng quy định tại Quyết định 08; không yêu cầu thêm thông tin, quy định để các quận, huyện nhanh chóng giải ngân kinh phí hỗ trợ người lao động.
Nhận định về những vướng mắc mà các đơn vị đang gặp phải, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho biết, hướng dẫn làm thủ tục rất đơn giản nhưng có những nơi yêu cầu thêm các thủ tục không có trong văn bản hay mỗi nơi hiểu và vận dụng chính sách một kiểu.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ Tp.HCM, cho biết thêm, thực tế quá trình triển khai có những doanh nghiệp chưa quan tâm tới việc triển khai thực hiện chính sách khi đó, vai trò của công đoàn cơ sở đôn đốc người sử dụng lao động để thực hiện thủ tục đảm bảo cho NLĐ trong doanh nghiệp.
Công đoàn cũng đã phát huy ứng dụng của website và xây dựng hệ thống hội, nhóm trên mạng xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ làm thủ tục; thiết kế infographic thủ tục, chia sẻ thông tin hướng dẫn để NLĐ dễ nắm bắt, tiếp cận thông tin và thực hiện. Tuy nhiên, ông Tâm cũng đặt vấn đề rất nhiều đơn vị không có tổ chức công đoàn còn bỏ ngỏ việc này, còn những đơn vị có tổ chức công đoàn thì đảm bảo đã đôn đốc để doanh nghiệp triển khai.
Ông Tâm chia sẻ “NLĐ rất vui khi chính sách nhân văn này được ban hành đúng lúc đại dịch vừa kết thúc, khi giá thị trường tăng cao. Dù số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng được nhận đúng lúc khiến NLĐ rất vui” và cho biết, LĐLĐ Tp.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đặt vấn đề về sự vào cuộc của các doanh nghiệp như tại quận Gò Vấp có khoảng 5.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có hơn 400 doanh nghiệp lập danh sách. Cùng với đó, ông nhấn mạnh, quá trình triển khai còn chậm.
Ông nhấn mạnh, mục tiêu là phải làm cho nhanh, NLĐ chỉ viết đơn một lần. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, không để tình trạng thêm thủ tục, chậm thời gian, phải tăng cường hậu kiểm chứ không tiền kiểm dẫn đến thời gian kéo dài. Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng nêu vấn đề không để NLĐ chờ lâu, bức xúc vì thủ tục rườm rà dẫn đến tình trạng “lên tivi nhận tiền”.
Minh Hoa (t/h)