Thực tế, Graffiti du nhập vào Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XXI bởi những du học sinh về nước, có tư tưởng phóng khoáng, yêu nghệ thuật. Thoạt đầu, tranh được vẽ ở những ngôi nhà hoang với các con chữ cách điệu hay hình ảnh lạ, thu hút người qua đường.
Nhiều tranh cũng đã mang tính tích cực, thể hiện tính cộng đồng, kêu gọi, tuyên truyền như: “Đừng hút thuốc lá”, “SIDA-hãy tránh xa”, “Tôi yêu Việt Nam”, “Chuộng hòa bình, ghét chiến tranh”… Nhiều bức tranh vẽ các công trình kiến trúc thế giới như tháp Pisa, Eiffel, Khải Hoàn Môn… một cách cầu kỳ, tỉ mẩn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Graffiti ngày càng bị giới trẻ lạm dụng. Nhiều công trình công cộng, tường nhà dân hay các cửa hàng tại TP.HCM đều trở thành “nạn nhân” của tình trạng vẽ bậy tràn lan.
Vì du nhập một cách nửa mùa nên cách thể hiện nhem nhuốc, bởi đủ thứ các loại màu sơn, khiến cho các bức tường trở nên bẩn thỉu, xấu xí, gây mất mỹ quan đô thị. Nhiều chỗ sơn mới chồng lên sơn cũ, hình vẽ sau đè lên hình vẽ trước càng làm cho cảnh tượng thêm nhếch nhác.
Trước đây, dọc những công trường xây dựng ở TP.HCM, nhiều người dân thích thú chiêm ngưỡng những tấm pano mang nhiều khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mỗi khi đi qua. Thế nhưng gần đây, tình trạng vẽ bậy tràn lan trên pano gây mất mỹ quan đô thị khiến người dân trong khu vực khá bức xúc.
Trên nhiều tuyến đường trung tâm quận 1 như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tôn Đức Thắng, Phạm Ngũ Lão… không khó để bắt gặp những hình vẽ nguệch ngoạc. Nhiều cửa hiệu, tường nhà bị bôi bẩn bởi những hình thù xanh, đỏ, vàng kỳ quái.
Ông Phan Văn Khánh, ngụ quận 3 cho biết: "Những “họa sĩ đường phố” này luôn lựa chọn khung giờ vắng người từ 2-3h sáng để dễ dàng thể hiện ý tưởng. Những ngôi nhà vắng chủ là địa điểm ưa thích của các bạn trẻ. Vì vẽ ở khung giờ đó nên rất khó bị phát hiện, tôi đã nhiều lần thấy và nhắc nhở nhưng không cản được đam mê kỳ quặc của họ".