Ngày 13/12, lãnh đạo hợp tác xã (HTX) Đông Nam (TP.HCM) xác nhận, hơn 10 xe buýt thuộc 2 tuyến 51 và 146 đang phải ngừng hoạt động do bị ngân hàng siết nợ, không thể chi trả tiền mua nhiên liệu. Hai chuyến xe buýt này chạy hướng bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) đến Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) và Hiệp Thành (quận 12).
Liên quan đến sự việc, PV báo Người Đưa Tin đã nhận được thông tin từ ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (sở Giao thông Vận tải TP.HCM) vào sáng ngày 13/12.
Ông Hải cho biết, sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã chỉ đạo trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP xử lý sự việc bằng cách tạm thời điều chuyển xe từ các đơn vị khác sang hỗ trợ 2 tuyến này để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.
“Theo hồ sơ quản lý của chúng tôi, HTX Đông Nam đã có vấn đề trong cách quản lý nội bộ doanh nghiệp này, việc nợ tiền thuế và ngân hàng đã có từ vài năm gần đây. Trong khi đó, tiền thu về hàng tháng không đủ bù đắp và trả nợ nên xảy ra sự việc bị ngân hàng siết nợ. Mặc dù trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP đã thanh toán các khoản tiền trợ giá cho HTX nhưng các xã viên vẫn không nhận được tiền. Từ đó, có hiện tượng các tài xế bỏ chuyến, thái độ phục vụ không tốt”, ông Hải cho hay.
Vị cán bộ sở GTVT TP còn cho biết thêm: “Về lâu dài, HTX Đông Nam phải tự vận động và cơ cấu lại cách tổ chức kinh doanh của mình. Nếu HTX này không đáp ứng được các điều kiện để thực hiện phục vụ bằng xe buýt, có khả năng sẽ bị cắt hợp đồng trong năm 2019. Sau đó, các tuyến xe buýt như 51, 146 sẽ giao lại cho các HTX khác có năng lực hơn”.
Theo thông tin cập nhật mới nhất, HTX Đông Nam cho biết đã đề nghị phía ngân hàng thu hồi, thanh lý hàng chục xe buýt đã thế chấp vay vốn đầu tư mua xe mới do hết khả năng trả nợ.
Trong hợp đồng tín dụng từ các năm trước, ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Bình Chánh đã cho HTX Đông Nam vay hàng chục tỷ đồng để đầu tư xe mới cho 4 tuyến là: 40, 46, 51, 146. Theo thông báo từ ngân hàng, tính từ tháng 8/2018, HTX Đông Nam đã quá hạn 3 kỳ liên tiếp, cả tiền gốc lẫn tiền lãi khoảng 3,3 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ việc, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, cần xem xét lại cách quản lý, trợ giá xe buýt. “Hiện nay, việc trợ giá xe buýt được nhiều quốc gia thực hiện, mức trợ giá cao nhất khoảng 70%, thấp nhất khoảng 30%. Tại Việt Nam, trợ giá cho xe buýt ở mức trung bình, chiếm khoảng hơn 40%”, ông Hòa nhận định.
Ông Hòa cũng cho hay: “Tuy nhiên, việc trợ giá xe buýt như chúng ta làm hiện nay lại không tỉ lệ thuận với số lượng hành khách. Điều này cần phải nghiêm túc xem xét lại cách quản lý, trợ giá xe buýt cho hiệu quả hơn. Chẳng hạn, tiền trợ giá có đến tay các xã viên để phát huy hiệu quả hay không? Đặc biệt, các cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra hệ thống mạng lưới xe buýt, những tuyến ít khách, không hiệu quả hoặc bị trùng tuyến thì nên cắt giảm và tập trung phát triển những tuyến hoạt động mạnh”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.