Loạt dự án đang gấp rút hoàn thành
Dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Linh từ hướng cầu Phú Mỹ đến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, gần đến cầu Cần Giuộc (thuộc địa phận quận 8, Tp.HCM), người đi đường không khỏi bất ngờ khi thấy dự án Dream Home Riverside bắt đầu được thi công trở lại sau 5 năm nằm bất động.
Từ cuối năm 2017, Công ty cổ phần Nhà Mơ (đơn vị phát triển dự án) đã giới thiệu Dream Home Riverside ra thị trường và cho nhận đặt chỗ. Trong năm 2018, Công ty cổ phần Nhà Mơ tổ chức nhiều đợt mở bán rầm rộ, thu hút hàng trăm khách hàng đến đặt cọc giữ chỗ.
Thậm chí, trong lễ mở bán cuối năm, đại diện đơn vị bán hàng công bố đã bán được 90% sản phẩm dự án cho khách hàng.
Thế nhưng sau đó dự án vẫn chưa được xây dựng khiến nhiều khách hàng đặt cọc mua nhà tỏ ra lo lắng. Lúc đó, đại diện truyền thông Công ty cổ phần Nhà Mơ lý giải rằng, nguyên nhân chậm trễ thi công dự án là do đang chờ cơ quan chức năng cấp phép hồ sơ điều chỉnh.
“Vì nhiều lý do khách quan, cơ quan chức năng sửa đổi một số thủ tục nên công ty phải đợi. Chúng tôi sẽ hoàn tất mọi thủ tục để nhanh chóng triển khai dự án, thực hiện xong mọi nghĩa vụ đối với khách hàng”, đại diện Công ty cổ phần Nhà Mơ nói.
Đến cuối năm 2019, sau khi được bổ sung vào Kế hoạch phát triển nhà ở Tp.HCM giai đoạn 2016-2020, dự án Dream Home Riverside được UBND Tp.HCM chấp thuận đầu tư, quy mô 3 tháp căn hộ cao 25 tầng.
Hiện tại, 2 block thuộc tháp Emerald đã xây dựng tới tầng 17; 2 block thuộc tháp Saphire đang đổ mái để lên tầng 8. Mức giá mỗi căn hộ ở đây dao động từ 27-35 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Việc Dream Home Riverside chính thức được khởi công sau khi hoàn thiện pháp lý hứa hẹn sẽ “làm nóng” khu vực quận 8 nói riêng, thị trường bất động sản Tp.HCM nói chung khi có giá bán được cho là phù hợp cho cả nhà đầu tư lẫn người mua để ở.
Trước đó, thị trường Tp.HCM còn ghi nhận một loạt dự án khác được tái khởi động, chẳng hạn dự án Vạn Phúc City (Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, Tp.Thủ Đức) của Tập đoàn Đại Phúc. Đây được xem là đại đô thị ven sông Sài Gòn lớn nhất hiện nay tại Tp.HCM, với tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ USD.
Hiện giai đoạn 2 dự án đang được gấp rút thi công. Bên cạnh các phân khu nhà phố, biệt thự, tuyến phố thương mại, các hạng mục bệnh viện, công viên... cũng đang được khẩn trương hoàn thiện để kịp đi vào hoạt động trong năm nay.
Mới đây, chủ đầu tư mở bán các căn biệt thự Vạn Phúc Mansion và Parkview Shop Villas nằm trong khu đô thị này với giá mỗi căn từ 59-160 tỷ đồng.
Tương tự là dự án Saigon One Tower nằm ở góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1, Tp.HCM) do Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower làm chủ đầu tư.
Sau gần 10 năm bất động và từng bị lãnh đạo Tp.HCM “điểm danh” là một trong những công trình làm xấu diện mạo đô thị, nay cũng thi công trở lại với tên gọi mới IFC One Saigon do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land phát triển.
Nhiều dự án cần được gỡ vướng
Có thể nói, việc một loạt dự án bất động sản “tỉnh giấc” sau nhiều năm nằm bất động vừa là cái kết đẹp cho chủ đầu tư, đơn vị phát triển và những khách hàng đã đặt cọc mua nhà, vừa giúp thay đổi bộ mặt đô thị, bổ sung nguồn cung nhà ở vốn đang rất khan hiếm trên thị trường.
Dẫu vậy, Tp.HCM hiện vẫn còn cả trăm dự án dở dang vì nhiều nguyên nhân. Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, số dự án bất động sản đang chờ “gỡ vướng” trên địa bàn Thành phố này khoảng 113 dự án.
Trong đó, vướng mắc lớn nhất là chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý đầu tư, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, nghĩa vụ nhà ở xã hội, nghĩa vụ tài chính bổ sung, chưa hoàn thành thủ tục giao đất… khiến các dự án ngưng trệ kéo dài, thậm chí có những dự án nằm chờ tới hơn chục năm.
Đơn cử, như dự án Greenview Garden tại phường Hiệp Bình Phước, Tp.Thủ Đức do Công ty TNHH Bất động sản Ladona làm chủ đầu tư. Dự án có tiến độ xây dựng chia làm 2 giai đoạn từ năm 2013 tới 2017 phải hoàn thành.
Thế nhưng, tới nay, dự án này vẫn chưa được xây dựng. Lý do chậm triển khai được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, là bởi doanh nghiệp xin điều chỉnh tiến độ thực hiện của dự án từ tháng 6/2017 tới tháng 12/2024.
Hay như dự án Khu chung cư thương mại, văn phòng Nguyên Hồng của Công ty cổ phần Bất động sản Nguyên Hồng, dù được phê duyệt từ năm 2009 theo Quyết định 33/QĐ-SXD-PTN và điều chỉnh dự án theo Quyết định 807/QĐ-SXD-TĐDA ngày 20/6/2016. Đồng thời, đã đáp ứng các điều kiện được điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, nhưng tới nay vẫn chưa được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Son Viet Property JSC cho rằng: “Để vực dậy một dự án, không chỉ đơn thuần là hoàn thiện các thủ tục pháp lý, mà còn phải đảm bảo nhiều yếu tố khác, đặc biệt là giá bán, bởi dự án trải qua thời gian dài nằm chờ, nay được triển khai trở lại thì cần tính toán sao cho phù hợp với thực tế cũng như kỳ vọng của chủ đầu tư.
Ngoài ra, một trong những giải pháp chủ đầu tư có thể tính đến khi muốn vực dậy một dự án bất động sản là thực hiện M&A (mua bán và sáp nhập - PV). Điều cần lưu ý ở đây là kiểm soát được tổng thể dự án, cơ cấu các thành phần tham gia và am hiểu sâu sắc về thị trường khu vực nơi đặt dự án, có như vậy mới đảm bảo được thành công”.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia BĐS cho rằng, M&A là thương vụ của những doanh nghiệp chuyên nghiệp với nhau. Khi tiến hành M&A, hai bên sẽ tính toán về khả năng phục hồi dự án, khai thác dự án, vị thế của hai bên và cuối cùng là nguyên tắc quy luật cung cầu.
Điều đáng lo nhất trong các thương vụ này là dự án đã “trùm mền” quá lâu sẽ rất kén người mua. Vì thế, chủ đầu tư mới phải có thực lực, tạo ra những giá trị mới cho dự án.
“M&A những dự án đóng băng lâu năm, buộc chủ đầu tư cũ bán giá phải hợp lý, rẻ hơn thị trường cho chủ đầu tư mới. Để phục hồi những dự án này chủ đầu tư mới phải có uy tín, có chuyên môn để phát triển”, ông Hiển nói.