Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, thời gian gần đây, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị giảm từ khoảng 40-50% so với thời điếm dịch bệnh chưa xảy ra.
Lượng khách đến các cửa hàng ăn uống cũng giảm khoảng từ 20-30% vào ngày thường, trong khi cuối tuần giảm đến khoảng 50%.
Khu vực đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TPHCM) lâu nay được xem là phố ẩm thực sôi động ở khu vực trung tâm thành phố với nhiều thương hiệu lớn, nổi tiếng cũng lâm vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu.
Hàng loạt cửa hàng, mặt bằng, quán sá đóng cửa, sang tiệm, cho thuê lại… Thậm chí, có những cửa hàng chỉ mới khai trương vài tháng chưa kịp thu hồi vốn nay cũng phải đóng cửa vì càng bán càng lỗ.
Giá thuê mặt bằng đường này trước đây có diện tích khoảng 100m2, luôn vượt 100 triệu đồng thì nay chỉ còn khoảng 80 - 90 triệu đồng/tháng, vẫn không có người thuê.
Chị Thanh Hà, một chủ cửa hàng trà sữa cho biết, mỗi ngày đều mất hơn 1 triệu đồng tiền thuê mặt bằng nhưng buôn bán không bù lại được. Thêm tiền lương nhân viên, tiền điện, tiền nước... nên khó biết cầm cự được bao lâu nữa.
Tương tự, rất nhiều cửa hàng trên các tuyến đường khu vực trung tâm quận 1, 3, 10 như Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai, 3 tháng 2… cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh cho rằng, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực, chưa bao giờ thấy mặt bằng cho thuê trống nhiều như hiện nay.
Chẳng hạn, đường Trần Quang Khải (quận 1), chỉ một đoạn ngắn mà có khoảng 30 mặt bằng treo bảng cho thuê. Nhiều nơi giảm giá 20%-30% so với trước. Rõ ràng đây là giai đoạn rất khó khăn của người kinh doanh bán lẻ.
“Theo tôi, với tình hình hiện tại, các cửa hàng kinh doanh hàng ăn uống, tiêu dùng chỉ có thể chịu đựng thêm khoảng 4 tháng. Bởi thông thường các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ngành hàng ăn uống, thời trang chỉ có thể chịu đựng lỗ trong tối đa 6 tháng.
Chính vì vậy mà các doanh nghiệp hay chủ nhà cho thuê mặt bằng cần phải chủ động giảm giá, nếu không khách thuê sẽ trả mặt bằng. Lúc đó cả hai cùng thiệt hại nặng”, ông Khánh bình luận.
Điều này đã được các chuyên gia kinh tế nhiều lần cảnh báo khi tốc độ tăng giá nhà tại TP HCM đã tăng nhanh hơn nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này đã dẫn đến mặt bằng kinh doanh đẩy lên cao làm tăng chi phí cho người thuê.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh truyền thống đang đứng trước nhiều áp lực cạnh tranh hơn bao giờ hết.
Sức chịu đựng của các nhà kinh doanh trở nên mong manh hơn, đó là lý do khiến việc cho thuê gặp khó khi nền kinh tế “hắt hơi” cũng là điều không quá bất ngờ.
Không chỉ mặt bằng có giá thuê cao mà ở phân khúc văn phòng tại TP.HCM cũng có giá thuê đắt đỏ. Trước đó vào cuối năm 2019, JLL ghi nhận giá thuê văn phòng tại TP.HCM trong năm cao nhất thập kỷ.
Cụ thể, giá thuê tăng 7,4% theo năm và tăng 1,1% theo quí, đạt mức cao kỉ lục với 29,1 USD/m2. Theo JLL, do nhu cầu về thị trường văn phòng tại TP.HCM tăng mạnh mẽ trong khi nguồn cung mới hạn chế, nên các chủ nhà thường đề xuất giá chào thuê khá cao.