TP.HCM: Hiệu trưởng nói gì khi bị "tố’ quản lý kiểu 'gia đình trị'?

TP.HCM: Hiệu trưởng nói gì khi bị "tố’ quản lý kiểu 'gia đình trị'?

Trần Thị Huệ

Trần Thị Huệ

Thứ 7, 14/07/2018 12:55

Đưa cháu ruột vợ vào làm kế toán, tổ chức kinh doanh sân bóng trong giờ học, phát hành vé số “Công trình thanh niên”, trả lương ôn thi tốt nghiệp cho giáo viên dạy chưa tới 50%... là những vấn đề gây bức xúc tại trường THPT Nguyễn Tất Thành hiện nay.

Tại trường THPT Nguyễn Tất Thành (địa chỉ số 249C, đường Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6) đang có nhiều vấn đề khiến giáo viên lẫn phụ huynh bức xúc khi năm học 2017-2018 vừa kết thúc. Trong đó có nhiều câu hỏi đặt ra về cách quản lý của ông Lê Văn Anh, hiệu trưởng nhà trường theo kiểu "gia đình trị", thương mại giáo dục.

TP.HCM: Hiệu trưởng nói gì khi bị  'tố’ quản lý kiểu 'gia đình trị'?

Trường Nguyễn Tất Thành, nơi có nhiều vấn đề cách quản lý của hiệu trưởng gây bức xúc

Trao đổi với PV, cô giáo T. (giáo viên trong trường) chia sẻ nỗi niềm: “Năm học 2017-2018 kết thúc, nhiều giáo viên trong trường rất bức xúc về cách quản lý của hiệu trưởng nhà trường.

Chỉ vì miếng cơm manh áo, muốn yên ổn làm việc mà mọi người không dám lên tiếng trước những sai phạm của hiệu trưởng. Tới nay, sự việc như ly nước tràn ly thì chúng tôi mới lên tiếng. Chúng tôi mong năm học mới, trường sẽ không còn hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh””.

Theo phản ánh của giáo viên: "Hiệu trưởng nhà trường vi phạm rất nhiều lỗi như: Việc đưa cháu ruột bên vợ vào làm kế toán cho trường nên việc thu chi tài chính mập mờ, không được công khai; Hàng năm hiệu trưởng đồng ý cho Đoàn thanh niên phát hành vé số bán cho học sinh vào dịp thành lập đoàn (26/3); Cho thuê sân bóng đá trong giờ học gây ảnh hưởng tới môi trường giảng dạy; Lạm thu Quỹ cha mẹ học sinh; Hiệu trưởng không giảng dạy theo quy định nhưng vẫn xếp hạng cuối năm là “chiến sĩ thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; Trả học phí ôn thi tốt nghiệp THPT cho giáo viên giảng dạy chưa tới 50% mức thu".

TP.HCM: Hiệu trưởng nói gì khi bị  'tố’ quản lý kiểu 'gia đình trị'? (Hình 2).

Ông Lê Văn Anh, hiệu trưởng nhà trường làm việc với PV

Liên quan đến vụ việc, PV đã có buổi làm việc với ông Anh. Tại buổi làm việc, ông Anh lần lượt giải thích từng vấn đề nhưng không rõ ràng.

Về vấn đề cháu ruột vợ làm kế toán, ông Anh cho biết do trước đó trường có nhân sự làm kế toán từ năm 2011-2016 nhưng chuyên môn thấp.  Do vậy đã cho nhân sự cũ nghỉ việc. Việc tuyển cháu vợ vào làm kế toán là do không tìm được người ngoài. Hơn nữa, nhân sự mới (tức cháu ruột vợ) là người có chuyên môn kế toán tốt.

Tiếp đó, ông Anh lý giải việc phát hành vé số là việc làm hàng năm của Đoàn thanh niên. Đây chỉ đơn thuần vận động học sinh gây quỹ cho công tác đoàn. Thay vì ghi vào tờ giấy những con số cho học sinh bốc thăm trúng thưởng cho vui thì Đoàn làm thành tờ vé số với giá 5.000 đồng.

PV đặt câu hỏi: “Rõ ràng trên tờ giấy có in từ “vé số” đã mặc nhiên đó là tờ vé số. Vấn đề này khiến nhiều phụ huynh không ủng hộ mới có số lượng 4 lớp với hơn 150 em học sinh không tham gia mua vé số”. Tới đây, ông Anh không giải thích gì thêm.

Trả lời vấn đề liên quan đến việc cho thuê sân bóng trong trường, ông Anh cho rằng, trường không có nguồn kinh phí nào ngoài việc cho thuê sân bóng và căn tin, nhà xe mỗi năm tổng hơn 500 triệu đồng.

Do vậy, ngoài giờ các lớp có tiết thể dục ở sân bóng được xếp giờ trước thì đã thỏa thuận cho đơn vị thuê cho khách bên ngoài vào đá bóng. Việc khách tới trường ra vào đá bóng cũng không ảnh hưởng tới môi trường học tập, giảng dạy do sân bóng nằm khu vực phía sau phòng thực hành, phòng tin học.

Đối với việc lạm thu Quỹ cha mẹ học sinh, ông Anh cho biết đó là số tiền bàn bạc đầu năm nhưng sau đó chỉ thu 220 ngàn đồng/học sinh. Số tiền dư của những học sinh đóng còn 80 ngàn chuyển qua tiền công trình nhà vệ sinh. Đây là khoản tiền gộp thu. Tuy nhiên, dựa vào biên lai thu các khoản tiền của trường thì tiền công trình nhà vệ sinh đã tách thành một khoản riêng với mức thu 6 ngàn đồng/tháng = 54 ngàn đồng cho cả năm học. Sau đó, được cộng thêm 80 ngàn đồng từ tiền Quỹ cha mẹ phụ huynh chuyển sang thành tổng 134 ngàn đồng.

Nói về việc thầy Anh không đứng lớp chính khóa theo quy định của bộ Giáo dục. Thầy lý giải do có quá nhiều công việc quản lý. Thầy sợ không đảm bảo chất lượng của học sinh nên chuyển qua dạy các hoạt động liên quan ngoại khóa như dạy Kỹ năng sống, Hướng nghiệp (đây là việc của các trường đại học về tư vấn hướng nghiệp). Sau đó, PV đề nghị thầy cho xem những buổi học ngoại khóa có kí tên thầy nhưng thầy cũng không cung  cấp được.

Giải thích việc trả lương cho giáo viên ôn thi tốt nghiệp là 180 ngàn đồng/ tiết dạy nhưng thu thực tế trung bình một tiết/ 1 lớp từ 420 - 450 ngàn đồng (trả chưa tới 50%), ông Anh cho biết chưa chi hết.

Theo đó, nhà trường có 18 lớp khối 12, với khoảng 770 học sinh thì số tiền học phí sẽ thu về hơn 1,1 tỷ đồng. Ông Anh giải thích: “Thực tế trường mới thu được 90% tiền học phí (hơn 1 tỷ đồng), số còn lại sẽ thu sau?.

Việc chi phí cho giáo viên giảng dạy 180 ngàn đồng/tiết là do đã thỏa thuận trước đó. Tính tới hiện tại đã chi cho giáo viên dạy, giám thị và bộ phận hỗ trợ ôn thi hết 65% trên số tiền tổng. Số tiền còn lại chưa quyết toán. Sắp tới trường sẽ bàn luận xem chi  tiếp tiền còn lại theo hai phương án: Trả tiếp cho giáo viên dạy ôn thi hoặc chi cho hoạt động của trường (trong đó trích một phần kinh phí cho  nhân sự của trường đi nghỉ mát đầu năm)”.

Để đảm bảo thông tin mình nói, ông Anh đã gọi điện cho kế toán in cho PV xem những tờ giấy có số liệu thu chi tiền trong trường nhưng không có ngày tháng, dấu và chữ kí của người liên quan. Bên cạnh đó, ông Anh còn nói: "Hàng năm trường không làm báo cáo tổng kết thu chi do kế toán nhiều việc".

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.