Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, và các bệnh truyền nhiễm khác đang diễn ra trong các trường học hiện nay cũng như trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tích cực triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học.
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu học sinh, giáo viên, công nhân viên bị các dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi, phát ban, nổi mụn nước cần nghỉ học, nghỉ làm để đi khám bệnh tại các cơ sở y tế, không nên đến trường, lớp khi còn các triệu chứng, hạn chế tiếp xúc với người khác; chỉ quay lại trường học khi đã hết các triệu chứng bất thường. Nếu được chẩn đoán là bệnh truyền nhiễm gây dịch phải ở nhà cách ly đến hết thời gian quy định.
Giáo viên chủ nhiệm, giám thị điểm danh ghi chú rõ nguyên nhân nghỉ học vì bệnh vào sổ kiểm diện mỗi ngày. Trường hợp học sinh nghỉ nhiều ngày liên tiếp mà không nói rõ lý do, nhà trường phải chủ động liên hệ với phụ huynh để xác định có phải bị bệnh truyền nhiễm.
Nhân viên y tế trường học tổng hợp các trường hợp nghỉ vì bệnh truyền nhiễm vào sổ quản lý, sổ theo dõi học sinh nghỉ vì bệnh truyền nhiễm chung của trường hàng ngày và báo ngay bằng điện thoại hoặc email cho trạm y tế phường xã và khoa Kiểm soát bệnh tật - Trung tâm y tế quận huyện nếu có trường hợp bị bệnh truyền nhiễm trong danh mục phải báo cáo.
Không nhận học sinh bị sốt hoặc bị bệnh truyền nhiễm vào lớp. Khi phát hiện có trường hợp sốt hoặc bệnh phải đưa đến phòng y tế trường và gọi phụ huynh đưa đi khám ngay. Đối với trường mầm non và nhóm trẻ, giáo viên bảo mẫu khi đón nhận trẻ vào buổi sáng phải sàng lọc trẻ và hỏi phụ huynh về tình trạng hôm nay của trẻ trước nhận vào lớp.
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục phải đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học: Tổ chức nơi rửa tay bằng nước sạch và xà phòng thuận tiện cho học sinh, giáo viên, công nhân viên và khách đến thăm trường; hướng dẫn rửa tay đúng cách và xây dựng thói quen rửa tay thường xuyên trong ngày cho học sinh;
Thực hiện vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín, các vật dụng ăn uống của học sinh phải được rửa sạch trước khi sử dụng;
Thực hiện vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần khi chưa có ca bệnh tại bề mặt sàn, vách phòng học, bàn ghế học sinh, thư viện, hành lang, cầu thang trường; ngâm rửa đồ chơi, dụng cụ học tập... bằng các loại dung dịch khử khuẩn thông thường như Javel. Riêng đối với nhà vệ sinh thì khử khuẩn hàng ngày.
Phân công người hàng ngày kiểm tra phát hiện và thu gom, hủy các vật phế thải có khả năng đọng nước. Tổ chức tổng vệ sinh môi trường hàng tuần.
Các trường học tự trang bị xà bông, dung dịch javel hoặc các hóa chất khử khuẩn đang có trên thị trường. Khi có dịch bệnh trong trường học, ngành y tế địa phương sẽ hỗ trợ cung cấp hóa chất xử lý dịch.
Phong Linh