Hướng dẫn thu học phí năm học 2022 - 2023
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tp.HCM vừa ký văn bản hướng dẫn thu, sử dụng học phí năm học 2022 - 2023 đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
Theo đó, tại kỳ họp tháng 10/2022, HĐND Tp.HCM đã thông qua quyết định tăng học phí (theo nghị định số 81 của Chính phủ - PV) đối với các cơ sở GD&ĐT trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, thực hiện chính sách an sinh xã hội đặc thù của TP, nhằm giảm tác động đến xã hội và học sinh do tăng học phí trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, HĐND Tp.HCM đã ban hành nghị quyết hỗ trợ học phí cho học sinh.
Năm học 2022-2023 tại Tp.HCM mức thu học phí được áp dụng theo 2 nhóm. Trong đó, nhóm 1 gồm học sinh học tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân.
Nhóm 2 gồm học sinh học tại các trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Theo dự thảo, mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, cơ sở giáo dục thường xuyên và cơ sở đào tạo khác áp dụng chương trình giáo dục phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:
Mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết số 16 của HĐND Tp.HCM ngày 11/10/2022. Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn riêng.
Cụ thể, mức thu học phí đối với hình thức học trực tuyến (học online) bằng 50% mức thu học phí đã được ban hành theo quy định. Thời gian thực hiện là 9 tháng trong năm học.
Đối với các trường ngoài công lập (không bao gồm các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài), các cơ sở giáo dục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá), đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học và xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do mình quyết định... theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 81/2021.
Riêng năm học này, các đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ngoài công lập không bao gồm các học sinh đang học tại các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài cũng được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ học phí của Tp.HCM.
Cũng trong năm học 2022-2023, HĐND Tp.HCM cũng thông qua chính sách hỗ trợ học phí. Theo đó, Tp.HCM sẽ chi hơn 1.500 tỷ đồng để "gánh" phần học phí tăng thêm.
Đặc biệt đối tượng áp dụng gồm trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập (trừ học sinh tiểu học) không bao gồm các học sinh đang học tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, học viên giáo dục thường xuyên.
Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tp.HCM có học sinh thuộc đối tượng được hưởng chính sách có trách nhiệm phải hoàn trả (nếu đã tổ chức thu) và khấu trừ phần hỗ trợ học phí tương ứng với mức hỗ trợ đã quy định.
Được biết, Sở GD&ĐT Tp.HCM cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đã thu học phí theo mức mới, thì hoàn trả cho phụ huynh khoản chênh lệch. Sau đó, các nhà trường sẽ có báo cáo cụ thể để nhận kinh phí cấp bù (kinh phí hỗ trợ học phí của TP dành cho học sinh - PV).
Tại kỳ họp mới đây, HĐND Tp.HCM đã thông qua mức học phí mới theo Nghị định số 81/2021. Mức học phí mới tăng ở hầu hết các cấp học, trong đó bậc THCS tăng cao nhất (gấp 5 lần mức cũ). Đồng thời, HĐND Tp.HCM cũng thông qua việc hỗ trợ học phí cho các cấp học.
Trích học phí cải cách tiền lương?
Sở GD&ĐT Tp.HCM yêu cầu năm 2022, các đơn vị thực hiện theo quy định tại Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, cụ thể như sau:
Đối với các đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, tối thiểu 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi số thu dịch vụ (bao gồm cả thu học phí), các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định).
Trường hợp trong năm 2021, đơn vị chưa trích đủ tỷ lệ nguồn thu (40% đối với thu học phí và 40% chênh lệch thu lớn hơn chi đối với thu khác) thì chủ động rà soát, sau khi trích bổ sung đầy đủ mới thực hiện theo Thông tư số 122/2021/TT-BTC nêu trên.
Các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương.
Trúc Chi (theo Kinh Tế & Đô Thị, Tiền Phong, Vietnamnet)