Ngày 14/10, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết: “UBND huyện Cần Giờ vừa có đề xuất cho học sinh 2 trường đầu tiên đi học lại từ 20/10, thực hiện cho các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12. Đó là Trường tiểu học Thạnh An và Trường THCS - THPT Thạnh An, nằm trên địa bàn xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ”.
UBND huyện Cần Giờ đề xuất, giai đoạn đầu, 243 học sinh các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 sẽ đi học lại từ ngày 20/10. Sau một thời gian, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm và nếu thấy an toàn sẽ tiếp tục cho học sinh các khối lớp còn lại đến trường.
Cũng theo đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM, ngoài việc hoàn thiện các phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, Trường tiểu học Thạnh An và Trường THCS - THPT Thạnh An đã tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh về việc cho con em đi học lại.
Kết quả là hơn 90% phụ huynh đồng ý cho con em đến trường. Dự kiến, số học sinh chưa đồng thuận đi học lại sẽ tiếp tục học trên internet.
Trước đó, ngày 13/10, đoàn kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM đã có buổi làm việc trực tiếp với UBND huyện Cần Giờ để hoàn thiện phương án cho học sinh của 2 trường trên địa bàn xã Thạnh An đi học trở lại.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại 2 trường, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết, trong điều kiện học sinh chưa được tiêm vắc-xin thì cần chia phương án mở cửa trường học trở lại thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn đầu có thể thí điểm ở một vài khối lớp, kéo dài trong khoảng 2 tuần. Sau đó, nếu ổn định sẽ xem xét đề xuất mở rộng quy mô 100% học sinh toàn trường được đến trường học trực tiếp.
Phương án mở cửa trường học trở lại cần bám sát yêu cầu phòng chống dịch của Bộ Y tế. Cả 2 trường cần bổ sung thêm cách thức xử lý tình huống khi phát hiện có ca nhiễm, trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế tại phòng cách ly tạm thời, phòng y tế.
Các trường cần thực hiện việc khai báo y tế với đội ngũ giáo viên mỗi ngày, nắm chắc tình hình sức khỏe của học sinh trước mỗi buổi học, đo thân nhiệt cho học sinh tại cổng trường và cần sắp xếp không để dồn ứ.
Đại diện Sở Y tế Tp.HCM lưu ý, các trường chỉ cần sử dụng Cloramin B để lau chùi bề mặt như tay vịn cầu thang, bàn học sau mỗi buổi học, tổng vệ sinh định kỳ trường lớp vào hàng tuần hay khi có ca bệnh, không cần thiết phun khử khuẩn toàn trường.
Học sinh cần phải được đeo khẩu trang trong thời gian ở trường, ngay cả khi trong lớp học, trong điều kiện chưa được tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19.
Vào giai đoạn 2, khi toàn bộ học sinh đi học trực tiếp, cần bố trí lệch giờ vào học không nên quá xa nhau, tránh để học sinh ra về quá muộn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh. Khi học sinh ra chơi thì nên chơi theo từng khu vực.
Nói thêm về vấn đề xét nghiệm, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM chia sẻ: “Với học sinh, chỉ nên xét nghiệm nếu các em có yếu tố dịch tễ (từ ngoài xã đảo về) hay liên quan đến ca nhiễm. Còn giáo viên, nhân viên hay người lao động thì nên kiểm tra 20% tổng số người này ở khu vực có nguy cơ cao (tiếp xúc nhiều với học sinh, có yếu tố dịch tễ hay triệu chứng)”.
Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM, phương án mở cửa trường học của 2 trường này sẽ là cơ sở cho nhiều đơn vị khác trên địa bàn huyện Cần Giờ, toàn Tp.HCM tham khảo.
“Trong buổi học đầu tiên, 2 trường nên sinh hoạt thật kỹ với học sinh về các biện pháp an toàn phòng chống dịch Covid-19, để các em có ý thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng”, ông Dũng đề nghị.