Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; đại diện lãnh đạo các sở Du lịch, sở VHTT&DL, đại diện Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đến từ TP.HCM; các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh ngành Du lịch đang nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe phổ biến về Kế hoạch tăng cường công tác quản lý chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch gồm: Kế hoạch tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch cùng; Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch.
Hội nghị cũng ghi nhận các ý kiến góp ý, đề xuất của đại diện sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sở Du lịch các địa phương; đại diện các doanh nghiệp lữ hành về việc triển khai áp dụng Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch.
Đồng thời, các vấn đề như: Siết chặt quản lý du lịch mạo hiểm, tăng cường thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú, cách ứng xử với thị trường khách du lịch Trung Quốc... cũng đã được bàn luận.
Cũng tại Hội nghị, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong quá trình cấp thẻ hướng dẫn viên, có nhiều hồ sơ bị nghi ngờ là sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
“Tuy nhiên, nếu phải xác minh, kiểm tra kỹ thì mất thời gian rất lâu, các hướng dẫn viên lại lên tiếng đòi quyền lợi của họ. Vì thế, chúng tôi vẫn đang cấp thẻ trước rồi kiểm tra sau. Đến lúc phát hiện họ sử dụng bằng giả, chúng tôi ra quyết định thu hồi thì chẳng có hướng dẫn viên nào tự nguyện giao nộp thẻ. Lúc đó, chúng tôi buộc lòng phải thông báo về địa phương theo hộ khẩu của hướng dẫn viên đó, nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn”, ông Khánh cho biết.
Hà Nhân