Ngày 10/9, sở Y tế TP.HCM có tờ trình gửi UBND TP.Hồ Chí Minh về việc tham mưu kế hoạch chiến dịch cao điểm tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn Thành phố từ ngày 9 – 15/9.
Theo sở Y tế, nhằm khẩn trương hoàn thành mục tiêu bao phủ vắc-xin cho người dân, đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch để hồi phục kinh tế, TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến ngày 15/9, cơ bản hoàn thành bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 và tiêm vắc xin mũi 2 đúng thời hạn cho người từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh.
Theo số liệu của chi cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình năm 2020, số người trên 18 tuổi tại TP.HCM là 7.208.800 người. Đến hết ngày 9/9/2021, Thành phố đã có 6.293.416 người tiêm mũi một, chiếm tỉ lệ 87,3% và 893.985 người tiêm mũi hai chiếm tỉ lệ 12%.
Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian từ 9 – 15/9 tới, thành phố cần tiêm mũi một vắc-xin phòng Covid-19 cho 879.620 người; tiêm mũi hai cho 927.051 người theo thời gian chỉ định cần thiết giữa hai mũi tiêm của từng loại vắc-xin.
Như vậy, để đạt được độ tiêm vắc-xin phủ 100% dân số đang sinh sống trên địa bàn, TP.HCM cần tiêm 1.806.671 mũi tiêm cho người dân thành phố.
Để không bỏ sót bất cứ người dân nào không được tiêm vắc-xin, sở Y tế cho biết sẽ tổ chức rà soát thực tế bằng cách “đi từng ngõ gõ từng nhà” để xác định thực tế người trên 18 tuổi đang sinh sống tại địa phương, ghi thông tin tiêm chủng và lập danh sách người cần tiêm mũi một, mũi hai để mời người dân tiêm chủng đến trước ngày 15/9, đảm bảo tiến độ bao phủ mũi một và tiêm mũi hai cho người đến hạn.
Đồng thời, tăng cường tổ chức nhiều hình thức tiêm chủng vắc-xin và mở rộng khung thời gian tiêm chủng trong ngày, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận vắc xin.
Sáng 10/9, trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) cho biết, nhằm nhanh chóng khôi phục các hoạt động lao động sản xuất và đưa sinh hoạt xã hội về trạng thái bình thường mới, một trong những chìa khóa quan trọng là bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi tại thành phố.
Theo HCDC, các quận, huyện thực hiện hai hình thức tiêm chủng là tiếp tục duy trì các điểm tiêm cố định, đồng thời tổ chức tiêm lưu động để bất cứ người dân nào cũng có thể dễ dàng di chuyển đến điểm tiêm. Cần tổ chức hợp lý kéo dài thời gian tiêm hàng ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho dân đi tiêm chủng.
Đối với các đối tượng yếu thế, khó di chuyển đến điểm tiêm chủng (người cao tuổi, bại liệt, tàn tật…), địa phương sẽ linh động tổ chức các đội tiêm chủng tại nhà. Các địa phương cũng chủ động công bố số điện thoại đường dây nóng cho người dân để tiếp nhận thông tin những trường hợp chưa được mời tiêm mũi hai.