Tp.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm điện ảnh sáng tạo
Sáng 15/2, toạ đàm tham vấn quốc tế về hồ sơ đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh đã diễn ra tại Tp.HCM.
Sự kiện do Sở Văn hóa - Thể thao Tp.HCM chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.
![Tp.HCM tham vọng trở thành Tp.HCM tham vọng trở thành](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/15/base64-1739604547085655296120.jpeg)
Toàn cảnh tọa đàm sáng ngày 15/2.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, khẳng định, thành phố cam kết đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lấy tăng trưởng xanh và chất lượng sống của người dân làm mục tiêu cốt lõi. Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, điện ảnh được xem là lĩnh vực quan trọng, không chỉ tạo ra giá trị nghệ thuật mà còn đóng góp đáng kể vào kinh tế đô thị.
![Tp.HCM tham vọng trở thành Tp.HCM tham vọng trở thành](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/15/base64-17396045471001212564049.jpeg)
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, phát biểu tại phiên tọa đàm.
Theo số liệu từ Sở Văn hóa - Thể thao Tp.HCM, hiện có 935 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tại thành phố, tạo việc làm cho hơn 9.200 lao động.
Năm 2024, ngành này đạt doanh thu 500 triệu USD, chiếm khoảng 40% thị phần điện ảnh Việt Nam và đóng góp 0,43% GRDP. Tp.HCM sở hữu hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất cả nước với 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu cùng 184 không gian sáng tạo nghệ thuật.
Tp.HCM có lợi thế đặc biệt với 54 dân tộc cùng sinh sống, tạo ra một môi trường đa văn hóa phong phú, thu hút nhà đầu tư và khách du lịch.
Năm 2024, Tp.HCM đón 6 triệu lượt khách quốc tế, được đề cử là “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á” và “Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á” tại World Travel Awards.
Việc phát triển điện ảnh không chỉ giúp quảng bá hình ảnh Tp.HCM ra thế giới mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo khác như: du lịch, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn.
![Tp.HCM tham vọng trở thành Tp.HCM tham vọng trở thành](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/15/base64-1739604547113454662837.jpeg)
Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, nhấn mạnh, điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc kết nối và giao lưu văn hóa.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, nhấn mạnh, điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc kết nối và giao lưu văn hóa, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đô thị.
Tp.HCM hiện đang đẩy mạnh các sáng kiến như: “Kiến tạo điện ảnh trong học đường” để giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ, dự án “Sắc màu cuộc sống qua điện ảnh” nhằm phản ánh sự đa dạng văn hóa của thành phố, hay việc xây dựng công viên chuyên đề điện ảnh tại bờ sông Sài Gòn.
Ở cấp độ quốc tế, Tp.HCM hướng đến việc tổ chức Liên hoan phim quốc tế Tp.HCM (HIFF) thường niên, thiết lập diễn đàn kết nối các thành phố điện ảnh châu Á, và xây dựng hệ thống dữ liệu ngành để hỗ trợ các nhà làm phim.
Thành phố cũng đặt mục tiêu thu hút các đoàn làm phim quốc tế, với chính sách hỗ trợ đặc biệt như: miễn thuế thu nhập cá nhân, ưu đãi đầu tư cho cụm rạp lớn, và gói vay lãi suất 0% kéo dài 7 năm dành cho các dự án điện ảnh.
Cơ hội và thách thức khi gia nhập UNESCO
Tại hội thảo, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và phát triển Tp.HCM, đã có báo cáo các nội dung của hồ sơ đăng ký tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN).
Theo ông An, hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh là bước đi chiến lược để Tp.HCM định vị mình trên bản đồ điện ảnh thế giới. Nếu được phê duyệt vào tháng 3/2025, Tp.HCM sẽ là thành phố điện ảnh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á trong hệ thống UCCN.
![Tp.HCM tham vọng trở thành Tp.HCM tham vọng trở thành](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/15/base64-1739604547136463327995.jpeg)
Các chuyên gia thảo luận về điện ảnh Việt Nam.
Việc trở thành thành viên của mạng lưới này sẽ giúp Tp.HCM tiếp cận nguồn tài nguyên quốc tế, thu hút đầu tư, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và sáng tạo trong ngành điện ảnh. Tuy nhiên, thành phố cũng phải đối mặt với thách thức về chính sách hỗ trợ, cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp điện ảnh.
![Tp.HCM tham vọng trở thành Tp.HCM tham vọng trở thành](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/15/base64-1739604739434673177892.jpeg)
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và phát triển Tp.HCM, báo cáo các nội dung hồ sơ đăng ký tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Với chiến lược rõ ràng và sự đầu tư bài bản, Tp.HCM đang từng bước hiện thực hóa tham vọng trở thành trung tâm điện ảnh sáng tạo của khu vực, góp phần vào sự phát triển đô thị bền vững và nâng tầm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhóm nghiên cứu đưa ra 6 sáng kiến để Tp.HCM tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) trong lĩnh vực điện ảnh, gồm 3 sáng kiến địa phương và 3 sáng kiến quốc tế.
Tổng ngân sách dự kiến cho các sáng kiến này là 16,72 triệu USD trong 4 năm. Trong đó, xây dựng không gian sáng tạo điện ảnh chiếm kinh phí lớn nhất (5,97 triệu USD), tiếp theo là "Kiến tạo điện ảnh trong học đường" (3,18 triệu USD) và liên hoan phim quốc tế thường niên (3,18 triệu USD).