Không nghe điện thoại của F0 sẽ bị xử lý
Sáng 9/11, Sở Y tế Tp.HCM vừa ban hành các quy trình xử lý khi phát hiện F0 trong cộng đồng, trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp và sẽ ban hành hướng dẫn xét nghiệm cho người dân ở cộng đồng dân cư trên địa bàn Thành phố này.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết: "Qua giám sát, nhiều người lao động từ các địa phương khác trở lại thành phố làm việc dương tính với SARS-CoV-2. Sở đã đề nghị các doanh nghiệp nắm bắt thông tin, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh.
Trong đó, các cơ sở y tế tham mưu với chính quyền địa phương xem xét khu vực đủ điều kiện cách ly F0 là người lao động, đặc biệt ở các khu vực nhà trọ, nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh".
Song song đó, ngành y tế cũng cho biết, sẽ bổ sung danh sách đội tình nguyện tham gia chăm sóc F0 ở các trạm y tế lưu động, đặc biệt là đối với 4 địa phương có số F0 đang tăng cao, gồm: Quận 12, Bình Tân, Tp.Thủ Đức và huyện Bình Chánh.
Hiện nay, các trung tâm y tế đang chịu trách nhiệm chăm sóc, quản lý và cấp phát gói thuốc A, B, đặc biệt và gói thuốc C cho F0 cách ly tại nhà. Để giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, Sở Y tế sẽ kiểm tra thực hiện công tác quản lý và cấp thuốc cho F0 trên địa bàn. Nếu phát hiện đơn vị nào không thực hiện cấp phát thuốc F0, chưa sẵn sàng nghe điện thoại khi F0 gọi sẽ bị xử lý theo quy định.
Với chiến lược thích ứng linh hoạt nhưng không chủ quan, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các địa phương cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời, dập dịch ngay không để dịch lan rộng.
Đồng thời, quản lý và chăm sóc F0 theo đúng quy định, trong đó, xây dựng kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động phù hợp với nhu cầu chăm sóc. Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống dịch và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt cho người dân.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần nhanh chóng tính toán nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch sớm thành lập các trạm y tế lưu động tương ứng với số lượng F0 mắc mới để có thể hỗ trợ kịp thời cho người bệnh khi lực lượng quân y rút khỏi địa phương.
Dịch bệnh phức tạp tại một số khu vực
Thực tế cho thấy, từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 đến nay, tình hình dịch bệnh tại Tp.HCM trở nên phức tạp, số ca tăng trở lại buộc Thành phố này phải có những thay đổi trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Mới đây nhất là các ổ dịch ở huyện Hóc Môn. Trong khoảng 1 tuần, huyện Hóc Môn xác định gần 2.600 điểm dịch gia đình và 25 điểm dịch cộng đồng, với tổng cộng trên 6.700 ca dương tính qua test nhanh.
Trong khi đó, dịch tại huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân… vẫn còn phức tạp. Bên cạnh đó, qua giám sát hoạt động phòng chống dịch tại huyện Nhà Bè (từ ngày 1/10 đến ngày 4/11), HCDC ghi nhận tổng số ca bệnh Covid-19 cộng dồn tại địa phương là 2.551 ca, trong đó có 1.750 ca khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR và 801 ca xác định bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Báo cáo từ huyện Nhà Bè cho biết, các ca dương tính chủ yếu được phát hiện từ công nhân cư ngụ tại các khu trọ trên địa bàn, làm việc tại 2 khu công nghiệp lớn là Hiệp Phước và Long Hậu.
Hiện, huyện Nhà Bè có 770 ca F0 đang được cách ly và điều trị tại nhà, trong đó có 395 ổ dịch hộ gia đình, 19 ổ dịch cộng đồng. Việc cấp phát các túi thuốc A, B và C cũng được thực hiện kịp thời và theo đúng quy định. Riêng túi thuốc C, huyện đã cấp phát 100% số lượng.
Huyện Nhà Bè hiện có 7 trạm y tế lưu động do lực lượng quân y hỗ trợ, quản lý và chăm sóc F0. Tuy nhiên, theo dự kiến, đến cuối tháng 11/2021, lực lượng quân y sẽ ngừng hỗ trợ cho địa phương.
Tương tự, tại huyện Bình Chánh, một số xã có số ca nhiễm Covid-19 tăng, do sự hoạt động trở lại của các khu công nghiệp.
Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh, từ đầu tháng 10 đến nay, toàn huyện có hơn 6.200 ca F0 được phát hiện bằng test nhanh kháng nguyên và RT-PCR.
Trong đó, số ca F0 cao nhất thuộc 3 xã: Vĩnh Lộc A, Phạm Văn Hai và Lê Minh Xuân do sự hoạt động trở lại của các khu công nghiệp tại đây. Đa số các ca bệnh phát hiện tại huyện nằm trong các khu nhà trọ và đã được xử lý theo đúng quy định.
Hiện, còn 8 trạm y tế lưu động do lực lượng quân y hỗ trợ để quản lý và chăm sóc F0 trên địa bàn huyện. Đối với công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đã đạt 100% người dân tiêm mũi 1, có 93,7% tiêm đủ mũi 2 và công tác tiêm chủng vẫn đang được tiến hành, đảm bảo người dân được tiếp cận vắc-xin sớm.
Vì sao “vùng xanh” huyện Cần Giờ chuyển thành "vùng cam"?
Theo bản đồ của Cổng thông tin Covid-19 của Tp.HCM, hiện huyện Cần Giờ và Nhà Bè đã chuyển từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao).
Trong ngày 7/11, huyện Nhà Bè ghi nhận 27 ca dương tính, trong khi huyện Cần Giờ chỉ có 7 ca. Nếu so sánh với những địa phương khác như Tp.Thủ Đức có 143 ca nhiễm, quận Bình Tân 90 ca, huyện Củ Chi 80 ca… thì thấp hơn nhiều. Vì sao huyện Cần Giờ và Nhà Bè nâng cấp độ 3, trong khi số ca nhiễm trong ngày tương đối thấp so với các khu vực khác?
Về việc này, trả lời PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: “Hôm qua, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố có chỉ đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) xuống khảo sát thực tế tại địa phương. Tuy nhiên, do cách ghi biên bản nên có sự nhầm lẫn.
Nếu xét cho đúng thì Cần Giờ vẫn đang ở vùng 1 (vùng xanh). Vì theo hướng dẫn, chỉ xét nghiệm RT-PCR 10% hoặc 20% trên tổng số khu vực có F1. Tuy nhiên, chúng tôi khoanh vùng và xét nghiệm RT-PCR 100% khu vực có F1 nên HCDC lấy kết quả RT-PCR này đưa vào công thức của bản đồ dịch và nó ra màu cam của toàn huyện. Thực tế, số lượng ca nhiễm của Cần Giờ đang đảm bảo nằm trong tiêu chí vùng 1”.