Làm rõ thêm những vấn đề về tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc tại phiên thảo luận chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã dẫn số liệu tổng hợp của 63 địa phương và các bộ, ngành.
Cán bộ nghỉ việc nhiều ở lĩnh vực trọng điểm
Kết quả cho thấy từ 1/1/2020 đến 30/6/2022, số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức. Trong đó, số công chức là 4.029 người, chiếm 10% tổng số công chức, viên chức thôi việc; số viên chức là 35.532 người, chiếm 90%.
Ở Trung ương, số thôi việc chiếm 18% và 82% ở địa phương. Nếu phân chia theo vùng, Đông Nam Bộ chiếm hơn 37,36% tổng số công chức viên chức thôi việc; Đồng bằng sông Cửu Long là 22,88%; Đồng bằng sông Hồng chiếm 14,41%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 10,92%. Còn vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên chiếm tỉ lệ rất nhỏ.
Theo Bộ trưởng, số công chức, viên chức thôi việc tập trung nhiều nhất ở Tp.HCM (hơn 6.700 người), Đồng Nai và Hà Nội mỗi nơi hơn 2.000 người; các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ trong khoảng 800-900 người. Tính theo lĩnh vực thì ngành giáo dục có 16.424 người nghỉ việc (41,53%), y tế là 12.198 người (30,84%).
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, trong 2,5 năm qua, tổng số công chức, viên chức được tuyển dụng mới là hơn 143.961 người, gồm hơn 18.867 công chức, 125.104 viên chức. Riêng viên chức giáo dục được tuyển dụng mới là 74.495 người, y tế là 38.147 người.
“Số liệu trên cho thấy thấy số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế là không lớn (1,94%), nhưng tập trung ở lĩnh vực trọng điểm giáo dục và y tế nên đây là thách thức cho sự nghiệp công, trực tiếp chăm lo cho nhân tố con người”, Bộ trưởng nêu.
Hơn nữa, bà chỉ ra thực tế số cán bộ nghỉ việc đa số ở độ tuổi trẻ (từ 40 tuổi trở xuống và trên 50% có trình độ đại học); số nghỉ việc cũng tập trung ở nhiều tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có nhiều khu công nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục phát triển. Số lượng công chức, viên chức trẻ được tuyển dụng mới tăng cao nhất trong những năm trở lại đây.
So sánh với thế giới, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc là tình trạng chung.
Bà dẫn chứng trong năm 2021 và 2022, ở Anh có 9,25% cán bộ nghỉ việc trên tổng số công chức; Singapore - nơi có nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp, số công chức nghỉ việc ở khu vực công chiếm 9,9%; ở Pháp là 6,6%; Úc là 4,62%, Mỹ là 3,1%. Các nước trong khối ASEAN cũng trong tình trạng như Việt Nam.
Quy luật tất yếu của kinh tế thị trường
Về nguyên nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đang tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, đầy đủ, hội nhập nhằm đạt tới một thị trường lao động vận hành theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường, nhất là quy luật cung cầu.
Đồng thời thị trường lao động đòi hỏi khả năng kết nối, vận hành đồng bộ, tương tác thông suốt giữa các khu vực, các vùng trong cả nước, giữa nông thôn với thành thị, giữa khu vực công với khu vực tư, với các nước trong khu vực và quốc tế.
Do vậy, người lao động có cơ hội bình đẳng trên thị trường lao động, được tự do lựa chọn việc làm, tự do dịch chuyển trên thị trường lao động.
“Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động, cũng như theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta Đồng thời tạo động lực để thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa thị trường lao động ở khu vực công và khu vực tư”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Bên cạnh đó, trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công.
Trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển khá mạnh ở khu đô thị, tạo cơ hội cho người lao động ra vào trong khu vực công và khu vực tư thường xuyên theo quy luật cung cầu lao động cũng như yêu cầu xu thế của tự chủ, xã hội hóa khu vực sự nghiệp công.
Về giải pháp chủ yếu cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ xác định cần trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới.