Hàng ngàn container phế liệu vô chủ
Mới đây, chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra 2 container với trọng lượng khoảng 30 tấn, khai báo là phế liệu nhựa nhập khẩu. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng lại phát hiện trong 2 container này có nhiều bo mạch điện tử các loại đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu.
Đây là số hàng do công ty Cổ phần Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM (tỉnh Bình Phước) nhập về qua cảng Cát Lái. Sau khi có kết quả giám định, chi cục đã xử phạt hành chính công ty CEM 30 triệu đồng và buộc tái xuất toàn bộ lô hàng vi phạm.
Thậm chí, có tình trạng làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan Nhà nước để nhập khẩu phế liệu, mà công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu Đức Đạt (có trụ sở đăng ký kinh doanh tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) là điển hình. Theo đó, công ty này đăng ký 613 tờ khai nhập khẩu trên 12.500 tấn nhựa phế liệu, tổng trị giá theo khai báo hải quan là hơn 34 tỷ đồng.
Để qua mặt lực lượng hải quan, công ty này đã làm giả các giấy tờ, tài liệu như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu và các văn bản thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra thông quan. Tất cả giấy tờ, tài liệu này đều được làm giả mang dấu sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình.
Sau khi có các giấy tờ này, công ty Đức Đạt đã nộp cho các chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 và khu vực 3 (thuộc cục Hải quan TP.HCM) để làm thủ tục hải quan.
Không chỉ dừng lại ở đó, công ty Đức Đạt cũng với chiêu thức tương tự, còn nộp hồ sơ giả cho chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Cái Mép (thuộc cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu) để đăng ký 22 tờ khai, nhằm nhập khẩu gần 500.000 tấn nhựa phế liệu, với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng theo khai báo hải quan.
Tất cả số hàng này đều được công ty Đức Đạt nhập khẩu trong thời điểm từ đầu tháng 7/2017 đến tháng 11/2017 tại cả hai khu vực là cảng Cái Mép và các cảng tại TP.HCM. Ngày 17/7/2018, cục Điều tra Chống buôn lậu (tổng cục Hải quan) đã ban hành các quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với công ty Đức Đạt. Đồng thời, chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Trong khi đó, chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 đã nhiều lần có thông báo tìm chủ hàng và tổ chức các cuộc họp hội đồng thanh lý hàng tồn đọng để giải phóng nhanh số container phế liệu đang tồn tại tại cảng thuộc đơn vị này. Theo đó, hiện đang có hơn 3.000 container đang tồn tại ở cảng Cát Lái, trong đó chủ yếu là phế liệu.
Bà Phạm Thị Lèo, Phó Chi cục trưởng chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết: “Đơn vị đã chủ động phối hợp với các bên liên quan đẩy nhanh xử lý đối với lượng hàng tồn đọng, đến nay đã xác định được hơn 3.000 container hàng hóa lưu tại cảng Cát Lái trên 90 ngày, tuy nhiên chưa có người nhận. Toàn bộ số container nêu trên đã cập cảng từ cuối năm 2017 và đầu 2018”.
Tương tự, theo thống kê của cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2018, hiện tại các cảng của tỉnh này đang có gần 2.000 container phế liệu chưa làm thủ tục thông quan. Điều đáng nói là tất cả các container này đều có cảng đích là Cát Lái.
Tuy nhiên, các container này đang “kẹt” tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu là do từ ngày 1/6/2018, cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước (TP.HCM) đã từ chối tiếp nhận các container phế liệu nhập khẩu nên số container này đang bị ùn ứ tại cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ngoài ra, theo thông tin mà PV có được, hiện tại cảng Dịch vụ Dầu khí tổng hợp Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đang lưu giữ lô hàng gần 1.000 tấn phế liệu nhập khẩu của công ty TNHH SX - XD - TM Thiên Phú (TP.HCM). Thậm chí, có một số container phế liệu đã tồn đọng tại các cảng ở TP.HCM từ năm 2014 đến nay vẫn chưa thấy chủ của lô hàng. Chủng loại hàng hóa trong container tồn đọng tại các cảng chủ yếu là sắt thép phế liệu, nhựa phế liệu, giấy phế liệu....
Không để thành bãi rác
Về cách giải quyết số hàng tồn đọng này, bà Lèo cho biết: “Sau khi có thông báo công khai, nếu quá thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo không có người đến nhận, hội đồng Xử lý hàng tồn đọng (cục Hải quan TP.HCM) sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, thông thường các lô hàng này khi đăng thông tin cũng không có ai đến nhận, bỏ mặc hàng tại cảng và không ngó ngàng gì đến.
Về nguyên nhân của tình trạng này, theo lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM, khi các doanh nghiệp tìm mọi cách để nhập hàng về Việt Nam nhưng lại chưa đủ điều kiện để nhập khẩu, đặc biệt là giấy chứng nhận từ cơ quan môi trường, do đó không có cách gì để làm thủ tục thông quan khi hàng về Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp từ chối nhận hàng, nhằm trốn tránh trách nhiệm hoặc lý do “gửi nhầm”.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Quyết Thắng, giảng viên trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho biết: “Từ đầu năm 2018, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chính sách cấm nhập khẩu rác thải phế liệu từ nhựa, nylon, càng khiến cho các quốc gia láng giềng có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới. Bởi, việc xử lý rác thải hết sức tốn kém và mất nhiều thời gian. Do đó việc xuất đi các nước, đặc biệt là những nước đang phát triển là cách xử lý nhanh - gọn - lẹ”.
“Trong khi đó, nhu cầu trong nước đối với những loại hàng hóa này (chủ yếu là vỏ bánh xe, nhựa phế liệu các loại, đặc biệt là hàng điện tử - điện lạnh - điện gia dụng) lại rất cao. Do đó, cần phải tăng cường kiểm soát để tránh trở thành bãi rác của khu vực và trên thế giới”, chuyên gia này khuyến cáo. Trước tình trạng nhập khẩu phế liệu diễn tiến phức tạp, tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn về phế liệu nhập khẩu cho các cục hải quan các tỉnh, thành phố.
“Trong quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa, điều tra xác minh, cơ quan hải quan đã phát hiện doanh nghiệp thực hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận trong nhập khẩu phế liệu như làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu, khai sai tên hàng, mã số hàng hóa khác với tên hàng, mã số hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục ban hành”, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết.
Cũng theo ông Thắng, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này và không để các cảng biển Việt Nam trở thành bãi rác, lực lượng hải quan sẽ chủ động lấy mẫu giám định để sử dụng kết quả giám định hợp thức hóa, chứng minh hàng hóa nhập khẩu không phải phế liệu để khi nhập khẩu không chịu các chính sách quản lý đối với phế liệu hoặc nhập khẩu các lô hàng rác thải về Việt Nam, sau đó từ chối nhận hàng, để tồn đọng tại cảng biển Việt Nam, nhằm thu lợi từ các đối tượng ở nước ngoài (qua việc sử dụng Việt Nam làm nơi chứa rác thải)…
Về số hàng phế liệu tồn đọng, theo lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM đã có hướng xử lý. Theo đó, cơ quan cấp phép (thuộc bộ Tài nguyên và Môi trường) sẽ cung cấp danh sách doanh nghiệp được cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu để cục Hải quan TP.HCM đối chiếu với số lượng phế liệu nhập khẩu về cảng. Trường hợp nào không có giấy phép đang lưu giữ tại cảng sẽ được xử lý ngay. Việc xử lý sẽ có 2 phương án: Phế liệu không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu theo quy định, ảnh hưởng đến môi trường sẽ xử lý theo phương án buộc tái xuất. Đối với phế liệu đủ điều kiện nhập khẩu thì tổ chức bán thanh lý cho các cơ sở đủ điều kiện tái chế.
Ảnh hưởng tới thu ngân sách Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Tình trạng phế liệu nhập khẩu tồn tại các cảng của TP.HCM đã gây kẹt cảng, hàng hóa dịch chuyển khó khăn, do TP.HCM đã quá tải về cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistic chưa được đầu tư đúng mức. Điều này đã làm ảnh hưởng tới thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp khác, đồng thời, làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách của TP. Trong 6 tháng đầu năm 2018, TP.HCM thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trên 50.000 tỷ đồng, đạt trên 46% dự toán, giảm gần 5% so với cùng kỳ. |