Ngày 8/1, tin từ Sở Y tế Tp.HCM cho biết, vừa phối hợp với cơ quan công an địa phương và Bệnh viện Mắt Tp.HCM xác minh làm rõ phản ánh nạn "cò" bệnh viện tại Bệnh viện Mắt Tp.HCM.
Theo phản ánh, để được khám nhanh, người bệnh đến khám tại Bệnh viện Mắt Tp,HCM phải chi 500.000 đồng mỗi bệnh nhân.
Mặc dù, quầy điện tử mới chỉ hiện số 600 nhưng bệnh nhân bốc số 1.300 vẫn được chen lên khám trước khiến người bệnh bức xúc. Đáng nói, trước cổng bệnh viện còn có nhiều người ngang nhiên chào bán số thứ tự khám nhanh.
Sở Y tế Tp.HCM cho biết, nạn "cò" bệnh viện trên địa bàn Thành phố này là một trong những vấn đề gây bức xúc cho người bệnh và cả nhân viên y tế.
Mới đây, tệ nạn này cũng đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo khoa học về "Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn Tp.HCM" do Công an Tp.HCM phối hợp Sở Y tế tổ chức ngày 16/12/2022.
Với sự hỗ trợ của Công an Tp.HCM, các Giám đốc bệnh viện hạ quyết tâm phải dẹp cho được tệ nạn này tại các bệnh viện. Để làm điều này, trước hết phải từ nỗ lực của chính các bệnh viện trong đầu tư nguồn lực và cải tiến các quy trình quản lý nội bộ để “cò” không còn đất sống.
Theo Sở Y tế Tp.HCM, qua phản ánh của báo chí về nạn "cò" tại Bệnh viện Mắt Tp.HCM một lần nữa cho thấy, mặc dù Bệnh viện Mắt Tp.HCM trong thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp chống “cò” nhưng rõ ràng chưa có tác dụng.
Điều cần phải làm rõ là nhân viên bệnh viện có tiếp tay, cấu kết với “cò” bên ngoài bệnh viện hay không? Những nhân viên này thuộc bộ phận nào, khoa phòng nào của bệnh viện?
Hoạt động kiểm tra, giám sát của lãnh đạo bệnh viện, của lãnh đạo các bộ phận này như thế nào mà nhân viên sai phạm vẫn không biết? Quan trọng hơn hết, sau khi phát hiện các lỗi hệ thống, nhất là hoạt động kiểm tra, giám sát, những vấn đề gì mà bệnh viện cần chấn chỉnh ngay.
Trước mắt, Giám đốc Bệnh viện Mắt Tp.HCM đã chỉ đạo tạm đình chỉ nhân sự liên quan các phản ánh. Đồng thời, khẩn trương cho rà soát các vị trí nhân sự có liên quan để xác minh và nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Kế đến, lãnh đạo bệnh viện sẽ phối hợp với công an địa phương để xác minh, xử lý, nhận diện các đối tượng “cò” bên ngoài bệnh viện, mời làm việc và xử lý theo pháp luật.
Đồng thời, lãnh đạo các phòng chức năng của bệnh viện tiến hành rà soát ngay các lỗ hổng từ khâu tiếp nhận, đến khám chữa bệnh để đưa ra thêm các giải pháp nhằm củng cố lại các quy trình nội bộ.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát sự tuân thủ quy trình của nhân viên bệnh viện, trong đó tăng cường bổ sung và giám sát trực tiếp qua camera.
Bên cạnh đó, bệnh viện cho tăng cường truyền thông khi bệnh nhân đến tái khám, khuyến khích người bệnh đăng ký khám bệnh từ xa.
Về lâu dài, bệnh viện cần đầu tư và phát triển một đội bảo vệ chuyên nghiệp cơ hữu, được tập huấn bài bản, phối hợp chặt chẽ với công an địa phương tuần tra trong và ngoài bệnh viện.
Lãnh đạo bệnh viện giao ban chuyên đề an ninh, trật tự bệnh viện định kỳ hàng tuần, để có hướng xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp và giao ban định kỳ giữa Ban giám đốc bệnh viện và Công an địa phương.
Quan trọng hơn, bệnh viện phải có những giải pháp làm giảm tải cục bộ tại khu tiếp nhận như: đẩy mạnh khám theo hẹn qua các ứng dụng trực tuyến, tăng hẹn tái khám vào buổi chiều thay vì tập trung khám vào buổi sáng, triển khai thêm bàn khám, nghiên cứu cơ chế hợp tác công – tư để mở thêm cơ sở 2, cơ sở 3,… ở các vị trí khác.
Qua đây, Sở Y tế cám ơn và trân trọng ghi nhận các phản ánh của người dân khi phát hiện các hành vi lợi dụng người bệnh để vi phạm pháp luật.
Sở Y tế yêu cầu, lãnh đạo các bệnh viện phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện kịp thời các nạn “cò” trong môi trường y tế, cũng như tăng cường các biện pháp giảm quá tải trong khám chữa bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống giám sát, cảnh báo an ninh trật tự trong bệnh viện, kiên quyết không để nạn “cò” bệnh viện còn đất sống.
Nguyễn Lành