Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc quận 1, TP. HCM thí điểm lắp đặt hệ thống barie trên vỉa hè một số đường như Pasteur, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, để ngăn xe máy chạy lên. Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải phản ứng của nhiều người bởi các barie này gây khó khăn, dễ vấp ngã cho người đi bộ, cản trở lưu thông của người khiếm thị, người tàn tật.
Được biết, UBND quận 1, TP.HCM đang lắng nghe tất cả những ý kiến của người dân phản ánh để cân nhắc việc có duy trì và lắp thêm các rào chắn hay không. Đến nay, một số tuyến đường đã lắp rào chắn nhưng chưa được UBND TP có ý kiến chấp thuận.
Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (bộ Công an) cho biết: “Có nhiều cách để ngăn chặn xe máy đi lên vỉa hè như: Làm vỉa hè đường cao lên, trồng hoa,… vừa tạo ra không gian đẹp về thẩm mỹ mà lại hợp lý. Ví dụ: đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) họ làm vỉa hè cao lên để ngăn chặn xe máy là rất hợp lý mà người đi bộ vẫn đi được”.
Thiếu tướng Quân cho rằng: “Tôi cũng có nhận thấy nhiều ý kiến trái chiều về việc lắp đặt barie trên vỉa hè để chặn xe máy thế nên cần phải cân nhắc, xem xét cho kỹ, tránh tác dụng ngược lại”.
“Chúng ta chưa nên bàn về tính pháp lý mà nên nói về tính hợp lý trước đã, bởi cần phải xem các quy định mới biết rõ được, cái này phụ thuộc theo chính quyền sở tại họ quy định như nào để áp dụng. Tôi cũng đang rất băn khoăn về nhiều ý kiến của xã hội cho rằng, lắp đặt barie như thế sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới người đi bộ, người khuyết tật và rất dễ gây tai nạn với họ”, Thiếu tướng Quân nêu quan điểm.
Điều 44. Bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông của công trình đường bộ (Luật giao thông đường bộ) 1. Công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trong đó có người đi bộ và người khuyết tật. Đường đô thị xây dựng phải có hè phố, phần đường, cầu vượt, hầm và tổ chức giao thông cho người đi bộ, người khuyết tật đi lại an toàn, thuận tiện. 2. Công trình đường bộ phải được thẩm định về an toàn giao thông từ khi lập dự án, thiết kế, thi công, trước và trong quá trình khai thác. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp thu kết quả thẩm định an toàn giao thông để phê duyệt bổ sung vào dự án. 3. Khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ và công trình khác phải có hệ thống đường gom được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ; bảo đảm khoảng cách với quốc lộ theo quy định của Chính phủ. 4. Việc đấu nối được quy định như sau: a) Trường hợp có đường nhánh thì đường gom phải nối vào đường nhánh; b) Trường hợp đường nhánh, đường gom nối trực tiếp vào đường chính thì điểm đấu nối phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về đường bộ cho phép từ khi lập dự án và thiết kế; c) Việc đấu nối các đường từ khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ và công trình khác vào đường bộ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. 5. Bên cạnh tuyến quốc lộ đi qua khu dân cư phải có đường gom để phục vụ yêu cầu dân sinh. |
|
Thế Anh