Mới đây, chi cục Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 đã khởi tố hình sự về tội Buôn lậu đối với công ty TNHH TM - DV - Vận tải giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu Trí Nguyễn (địa chỉ tại số 3/4 Phan Văn Sửu, quận Tân Bình, TP.HCM).
Theo đó, công ty Trí Nguyễn đã mở tờ khai hải quan nhập hàng loạt container ghi trên thông tin hàng hóa là rổ nhựa. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện trong các container này là hàng điện máy, điện lạnh đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu.
Theo thông tin mà PV có được, công ty Trí Nguyễn đã nhập khẩu 8 container hàng cấm từ Nhật Bản về Việt Nam với tổng trị giá lô hàng trên 13 tỷ đồng. Để đánh lạc hướng cơ quan chức năng, doanh nghiệp này đã chuyển hàng lòng vòng qua nhiều nước.
Cụ thể, hàng được chuyển từ Nhật Bản qua Trung Quốc sau đó lại đến cảng Hồng Kông rồi mới chuyển về cảng Cát Lái.
Theo thông tin PV có được, công ty Trí Nguyễn đã chuyển trụ sở về số 8, đường số 33, khu phố 2, phường Bình An, quận 2, TP.HCM vào ngày 26/7/2017 và có người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hoàng Việt.
Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Ngoài các phương thức, thủ đoạn thường thấy thì các đối tượng buôn lậu còn cố tình thành lập nhiều công ty, ghi địa chỉ sai, thường xuyên thay đổi trụ sở... để hoạt động. Các đối tượng còn dùng giấy giới thiệu, con dấu, chữ ký giả của giám đốc và ghi sai tên người đi làm thủ tục hải quan để đối phó với cơ quan chức năng khi bị phát hiện sai phạm. Thậm chí, nhiều đối tượng làm giả hồ sơ, con dấu của hải quan... để thông quan hàng hóa”.
Cũng theo lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM, lượng hàng hóa là hàng điện máy, điện lạnh, điện gia dụng... đã qua sử dụng (thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu), chủ yếu có xuất xứ từ Nhật Bản và được các đối tượng buôn lậu vận chuyển về Việt Nam.
Đặc biệt, các đối tượng này thường xuyên thay đổi người đại diện pháp luật. Trường hợp hàng có vấn đề thì tiến hành điều chỉnh tên hàng hóa, tên doanh nghiệp, đồng thời xin điều chuyển từ loại hình nhập kinh doanh sang loại hàng quá cảnh. Nếu phát hiện “bất trắc”, các đối tượng này từ chối nhận hàng, không đến chứng kiến việc khám xét trọng điểm.
Về vấn đề này, báo điện tử Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.