Tối 13/6, đại diện công ty Cổ phần vận tải TP.HCM cho biết, đơn vị này vừa kiến nghị sở Giao thông Vận tải TP.HCM về việc ngưng hoạt động tuyến xe buýt số 54, lộ trình đi từ bến xe Miền Đông đến bến xe Chợ Lớn và ngược lại.
Công ty này trình bày, sau khi tiếp nhận tuyến xe buýt số 54 từ tháng 7/2017, tình hình kinh doanh ngày càng ảm đạm. “Mức trợ giá quá thấp đã khiến công ty lỗ suốt từ năm 2017 đến nay. Ngoài ra, việc bị áp sản lượng quá cao đã làm công ty không còn khả năng kinh doanh”, đại diện công ty Cổ phần vận tải TP.HCM chia sẻ.
Theo đó, công ty đang phải trả lãi vay và nợ gốc nên không đủ kinh phí để duy trì hoạt động, phải vay mượn từ nhiều nguồn để giải quyết. Tổng số tiền bị lỗ trong năm 2018 là 5,6 tỷ đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, số tiền lỗ đã tăng thêm 1,2 tỷ đồng.
Chính vì thế, công ty Cổ phần Vận tải TP.HCM đã đề xuất ngưng hoạt động tuyến xe buýt số 54 từ ngày 30/6 sắp tới.
Được biết, tuyến xe buýt 54 có lộ trình đi qua hàng loạt cơ sở y tế lớn trên địa bàn TP.HCM như bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5), bệnh viện Bình Dân (quận 3), bệnh viện Gia Định (quận Bình Thạnh), bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh)...
Theo thống kê, đây là tuyến xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại cho hơn 1,7 triệu lượt hành khách/năm. Trong đó, năm 2018 đã đạt 4.700 lượt khách/ngày.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Trần Chí Trung, Giám đốc trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (thuộc sở GTVT TP.HCM) cho hay, tuyến xe buýt số 54 có vai trò rất quan trọng đối với mạng lưới giao thông công cộng của thành phố.
“Nguyên nhân tuyến xe buýt số 54 bị lỗ là do doanh thu không tương xứng với số lượng hành khách. Chính vì tuyến này đi qua nhiều bệnh viện nên đối tượng khách chủ yếu là người già, được miễn giảm tiền vé. Vì thế, mặc dù lượng khách nhiều nhưng doanh thu của tuyến số 54 không cao, không có nguồn thu đủ để cân đối kinh doanh”, ông Trần Chí Trung cho biết.
Vị Giám đốc trung tâm Giao thông công cộng TP.HCM cũng khẳng định, cơ quan đang nghiên cứu các giải pháp để tiếp tục duy trì hoạt động của tuyến xe này. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp vẫn không đủ năng lực để duy trì hoạt động thì buộc lòng phải kêu gọi doanh nghiệp khác đảm nhận khai thác.
Từ cuối năm 2018 đến nay, hoạt động xe buýt tại TP.HCM đã phải ngừng hoạt động ít nhất 7 tuyến, bao gồm: tuyến xe buýt số 95 (Bến xe Miền Đông - KCN Tân Bình), tuyến xe buýt số 37 (cảng quận 4 - Nhơn Đức), tuyến xe buýt số 60 (Bến xe An Sương - KCN Lê Minh Xuân), tuyến xe buýt số 40 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Ngã tư Ga), tuyến xe buýt số 149 (Công viên 23-9 - Tân Phú - Bến xe An Sương), tuyến xe buýt số 49 (sân bay Tân Sơn Nhất - quận 1), tuyến xe buýt số 12 (Bến Thành - thác Giang Điền).
Theo nhận định của lãnh đạo sở GTVT TP.HCM, bộ đơn giá chi phí vận chuyển xe buýt mới đang trong giai đoạn thẩm định, phê duyệt. Trong khi đó, bộ định mức đơn giá đang được áp dụng đã được ban hành từ năm 2012, nên không còn phù hợp, một số hạng mục chi phí đã tăng khá cao.
Bên cạnh đó, phương pháp trợ giá đang áp dụng hiện nay đã bộc lộ các bất cập, chưa tạo động lực để doanh nghiệp vận tải nâng cao sản lượng vận chuyển. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài và không có giải pháp đột phá, nguy cơ “vỡ trận” hoạt động xe buýt trong năm 2019 của TP.HCM là khó tránh khỏi.