Mấy ngày này, các điểm bán hoa Tết truyền thống của thành phố như: Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận), công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), chợ hoa bến Bình Đông (quận 8), Hồ Thị Kỷ (quận 10), công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11),... đã bắt đầu tấp nập mua bán.
Những con đường bán hoa đã có tiếng nhiều năm nay như: Bắc Hải, Thành Thái (quận 10), Lý Thường Kiệt (quận 11), Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), Mai Chí Thọ (quận 2),… cũng đã bắt đầu nhộn nhịp.
Theo ngành nông nghiệp TP.HCM, diện tích hoa, cây kiểng phục vụ Tết Mậu Tuất năm 2018 khoảng 974,2ha, tăng 3,2% so cùng kỳ 2017. Trong đó, mai vàng chiếm tỉ lệ nhiều nhất với 462,7ha, chiếm 47% diện tích hoa, cây kiểng tết của thành phố, tăng 20,1% so với cùng kỳ. Được biết, TP.HCM có vùng trồng mai tập trung ở quận Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận 9 và gần đây là huyện Bình Chánh.
Sau mai vàng, diện tích bonsai kiểng tập trung tại huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận 12 và quận Thủ Đức là 222,1ha, chiếm 23%, giảm 18,5% so với cùng kỳ. Đứng thứ ba là hoa lan với gần 210ha, chiếm 22%, giảm 1,9% so với cùng kỳ do một số hộ ở huyện Củ Chi ngưng sản xuất.
Ngoài ra, tình hình hoa Tết của TP.HCM vẫn đảm bảo với nhiều loại hoa khác như cúc, vạn thọ, sống đời, mào gà, hướng dương, dừa cạn, dạ yên thảo...
Theo sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP.HCM, những cơn mưa trái mùa đã ảnh hưởng đến sự ra hoa đúng ngày tết của cây mai. Tại các vườn, khoảng 10% - 30% số cây trong vườn đã nở hoa và khoảng 20% - 25% số nụ trên cây đã nở. Các vườn trồng vạn thọ cũng bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể.
Theo dự đoán của các chủ đại lý hoa Tết, số lượng hoa cúc mâm xôi khá lớn nên dự báo giá sẽ không tăng so với năm trước. Các loại hoa truyền thống như cúc đại đóa, vạn thọ, sống đời… có sản lượng ít hơn mọi năm nên hút hàng và có thể tăng giá từ 10% - 20%. Thị trường hoa, cây kiểng năm nay có sự cạnh tranh lớn với sản phẩm nước ngoài như hoa đỗ quyên, thủy tiên, địa lan, hồ điệp…
Ngoài ra, nhiều giống hoa, cây kiểng từ miền Trung, miền Bắc cũng tăng số lượng cung cấp về TP.HCM khiến thị trường ngày càng nhộn nhịp, đa dạng. Dạo quanh các chợ hoa, không khó để người dân thành phố tìm mua đào Nhật Tân, cam canh kiểng Hưng Yên, tắc kiểng Hà Nội…
Chị Hồng Thanh, chủ vườn đào Nhật Tân tại công viên Hoàng Văn Thụ cho hay, năm nay số lượng đào vận chuyển vào TP.HCM tăng khoảng 50% với khoảng 500 gốc.
"Đào năm nay nụ nhiều, hoa màu hồng đẹp, chăm sóc dễ, nở đúng dịp Tết nên vừa lòng khách. Gốc đào cỡ nhỏ có giá từ 1,5 - 2,5 triệu đồng, gốc đào to hơn sẽ bán với giá từ 5 - 10 triệu đồng. Còn mấy gốc đào rừng, đào thế thì có giá cao hơn nữa, từ 10-15 triệu đồng”, chị Thanh nói.
Bên cạnh hoa đào, tắc kiểng từ Hà Nội cũng được thị trường TP.HCM ủng hộ nồng nhiệt với với số lượng tăng hơn mọi năm. Chị Kim Loan, chủ cửa hàng tắc kiểng tại công viên Gia Định cho biết, thời tiết năm nay ổn định nên cây tắc phát triển tốt khi cho nhiều trái to. Chị còn cho hay, số lượng hàng cung cấp cho TP.HCM không giảm, thậm chí giá bán có cao hơn năm ngoái.
Các chủ tiệm cây cảnh đều nhận định tắc kiểng miền Bắc có dáng đẹp, trái to, màu vàng đậm hơn nên giá cao hơn tắc kiểng từ Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), Cái Mơn (tỉnh Bến Tre). Tắc kiểng từ Hà Nội được bán tại TP.HCM có giá 1 – 1,5 triệu đồng cho chậu nhỏ, chậu lớn hơn từ 2 - 4 triệu đồng, chậu đẹp, thân to sẽ có giá lên đến 10 - 30 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thị trường tại TP.HCM cũng tạo điều kiện cho các mặt hàng như hoa giấy, mào gà, vạn thọ... của miền Tây, mai Bình Định, cục pha lê,… từ Nha Trang, hoa ly, hoa lan,… từ Lâm Đồng phục vụ sức mua lớn của người dân thành phố.