Là phân khúc thường chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng thời gian qua, tỷ lệ nhà ở bình dân liên tục giảm, từ 51% xuống còn 1%. Trong khi đó, phân khúc căn hộ trung cấp và cao cấp không ngừng tăng.
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc sở Xây dựng TP.HCM, đây là dấu hiệu lệch pha cung – cầu và chỉ dấu rõ rệt cho thấy thị trường BĐS Thành phố này phát triển thiếu bền vững.
Do kiểm soát tốt dịch Covid-19 và nguồn cung nhà ở tăng, thị trường BĐS TP.HCM quý 4/2020 được đánh giá phát triển tốt hơn quý trước.
Trong 4 tháng cuối năm, sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai cho 11 dự án (10.173 căn), tăng 97% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn cung nhà ở tăng nhưng chủ yếu tập trung ở phân khúc trung cấp và cao cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thật của đại đa số người dân có thu nhập thấp.
Không có dự án nhà ở xã hội và dự án nhà ở công nhân nào được cấp phép mới. Ngoài ra, cũng không có dự án du lịch nghỉ dưỡng nào có mặt trên thị trường.
Tính cả năm 2020, trên địa bàn TP.HCM có 38 dự án nhà ở thương mại hình thành tương lai được phép huy động vốn; 14 dự án được cấp giấy phép xây dựng; 10 dự án nhà ở xã hội đang triển khai và 4 dự án hoàn thành.
So với năm trước, theo sở Xây dựng, lượng giao dịch nhà ở trên địa bàn TP.HCM chậm hơn. Tình trạng lệch pha cung – cầu tăng đáng kể do nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang phát triển nhà ở phân khúc trung và cao cấp.
Về hàng tồn kho, sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, sản phẩm nhà ở đã hoàn thiện nhưng tồn kho mới đáng lo ngại. Bởi lẽ, một căn hộ hay dự án không sử dụng, để càng lâu sẽ càng xuống cấp, doanh nghiệp tốn chi phí quản lý, bảo dưỡng.
Còn tồn kho BĐS đang trong quá trình đầu tư xây dựng là việc không đáng lo ngại.
Thái Bình (t/h)