Tp.HCM: Mô hình “lớp học số”, từng bước giải quyết thiếu giáo viên

Tp.HCM: Mô hình “lớp học số”, từng bước giải quyết thiếu giáo viên

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 3, 05/09/2023 15:00

Sau thời gian thí điểm, mô hình “lớp học số” ghi nhận hiệu quả nên ngành giáo dục Tp.HCM sẽ nghiên cứu thành giải pháp rộng rãi.

Lớp học kết hợp trực tiếp và trực tuyến

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Tp.HCM thông tin, năm học 2023-2024, Tp.HCM tiếp tục duy trì mô hình lớp học số ở 2 trường thí điểm song có mở rộng ra thêm các khối lớp, các môn học.

Song song, Sở này sẽ tổ chức mô hình lớp học số với môn tiếng Anh, tin học mở rộng ra thêm các môn Chương trình GDPT 2018 như âm nhạc, mỹ thuật... theo hình thức dạy trực tuyến kết hợp trực tiếp ở các trường còn thiếu giáo viên và đủ điều kiện tổ chức.

Đồng thời, Sở sẽ hướng dẫn các trường về thời khóa biểu và lịch học các môn học trên lớp học số. Đội ngũ giáo viên và giáo viên trợ giảng tham gia giảng dạy các bộ môn này trên lớp học số do sở tuyển chọn và bồi dưỡng.

Hiện nay Sở GD&ĐT Tp.HCM đang giao phòng giáo dục rà soát, khảo sát nhu cầu của các trường tiểu học. Khi tổ chức lớp học số, nhà trường phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền. Trường cũng phải phân công giáo viên trợ giảng hoặc giáo viên phụ trách lớp học để quản lý lớp và hỗ trợ học sinh.

“Đặc biệt, phải đảm bảo học sinh vừa được học trực tuyến, vừa được học trực tiếp, luân phiên, không cố định thường xuyên một hình thức, đảm bảo công bằng và quyền lợi cho học sinh. Đảm bảo ít nhất 1 tiết/tuần, học sinh được học trực tiếp với giáo viên tiếng Anh để củng cố, ôn luyện kiến thức”, bà Thúy nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, một trưởng phòng GD&ĐT một đơn vị ngoại thành chia sẻ, năm học 2023-2024 nhiều trường tiểu học trên địa bàn thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học song nếu triển khai lớp học số để giải bài toán này thì lại phát sinh một bài toán khó khác. Đó là kinh phí để đầu tư trang thiết bị lớp học số. Bên cạnh đó, ở những trường mà giáo viên đã đủ định mức số tiết thì giáo viên chủ nhiệm phải hỗ trợ đứng lớp, đòi hỏi có nguồn kinh phí để hỗ trợ giáo viên.

“Để có thể triển khai lớp học số thì mọi thứ phải thật sự bài bản, bởi nếu không thì việc học của học sinh sẽ có thể “chập chờn” do thiếu ổn định về đường truyền, do trang thiết bị trục trặc…”, vị này nói.

Bài toán nhân sự với mô hình mới

Ông Nguyễn Văn Tới, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi cho hay, lớp học số được tổ chức thí điểm từ cuối tháng 11/2022 với môn tin học và tiếng Anh cho sáu lớp của khối 4 và 5 vào thứ Ba và thứ Năm.

Việc ứng dụng lớp học số giúp giải quyết hiệu quả tạm thời tình trạng thiếu giáo viên khi nhà trường rường chỉ hợp đồng được 1 giáo viên tiếng Anh, 1 giáo viên tin học thỉnh giảng, trong khi theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, ít nhất phải có 1 giáo viên tin học và 2 giáo viên tiếng Anh.

Cũng theo ông Tới, việc thực hiện lớp học số còn giúp giáo viên tăng cường đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

“Nhà trường thường xuyên bố trí giáo viên dự giờ các lớp học này để học hỏi. Giáo viên của trường chủ yếu là thế hệ 7X ngại thay đổi, công nghệ thông tin còn hạn chế, hy vọng với lớp học số, họ sẽ thay đổi nhận thức, đổi mới phương pháp”, ông Tới nói thêm.

Bên cạnh những thuận lợi, ông Tới cũng thừa nhận lớp học số xa cách về mặt không gian nên học sinh và giáo viên khó tương tác với nhau. Để giải quyết vấn đề trên, trường đã bố trí 1 giáo viên trợ giảng để giám sát, hướng dẫn, quán xuyến cũng như hỗ trợ giáo viên chính trong quá trình giảng dạy.

Giáo dục - Tp.HCM: Mô hình “lớp học số”, từng bước giải quyết thiếu giáo viên

Mô hình "lớp học số" được Sở GD&ĐT Tp.HCM thí điểm ở huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ từ cuối năm 2022 đến nay đã ghi nhận kết quả khả quan.

Tại Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ, lớp học số được thực hiện với môn tiếng Anh dành cho học sinh lớp 4, 5 vào đầu tháng 12/2022. Học sinh được học 4 tiết/tuần vào thứ Hai.

Ông Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay theo yêu cầu, trường phải có 2 giáo viên tiếng Anh để đảm bảo việc thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, trường chỉ có 1 giáo viên và thời gian qua phải vận động giáo viên này dạy tăng tiết, trả phí theo quy định để đảm bảo dạy đủ số tiết.

“Tiếng Anh là môn học đặc thù, do đó cần đào tạo kiến thức thêm cho đội ngũ này để có thể hỗ trợ tốt hơn cho giáo viên dạy chính. Ngoài ra, cũng cần phải tính toán đến kinh phí hỗ trợ họ. Trường cũng đề xuất xây dựng thêm một lớp học số tại cơ sở ở ấp Thiềng Liềng, bởi hiện nay giáo viên tiếng Anh phải di chuyển giữa hai điểm trường rất vất vả”, ông Bình nói thêm.

Đảm bảo chất lượng giáo viên đứng lớp

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM, để tổ chức lớp học số thì giáo viên phụ trách được tuyển chọn, bồi dưỡng, tập huấn. Ngoài ra, phải đáp ứng yêu cầu có chuyên môn tốt, có khả năng giảng dạy tốt trên môi trường số, làm chủ được lớp học, vận dụng được nhiều phương pháp năng động giúp học sinh hứng thú khi tham gia tiết học.

Hiện nay việc triển khai lớp học số đã ổn định và đạt hiệu quả tốt trong việc đảm bảo tổ chức giảng dạy tiếng Anh và tin học ở các trường thiếu giáo viên. Học sinh thích thú và tiếp thu tốt, đảm bảo tiếp cận đầy đủ, xuyên suốt chương trình. Giáo viên trợ giảng cũng học tập được các phương pháp giảng dạy hay.

“Trên cơ sở đánh giá các ưu khuyết điểm, Sở sẽ xem xét mở rộng không chỉ ở các đơn vị thiếu giáo viên mà còn đến các đơn vị có điều kiện triển khai để giúp nâng cao chất lượng chuyên môn. Song song đó, mô hình này có thể mở rộng ở các bộ môn còn thiếu giáo viên khác để giúp các đơn vị có thể tổ chức giảng dạy, giáo dục toàn diện cho học sinh”, ông Quốc nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.