Tại TP.HCM, ngay sáng mùng 2 Tết, nhiều hàng quán, tiệm sửa xe đã mở cửa. Cá biệt có một số quán bán xuyên Tết, không ngừng nghỉ ngày nào. Tay bưng tô phở nóng mang ra cho khách, chị Hải (Q.7) nói: “Gần chục năm nay, quán phở gia truyền của gia đình tôi chẳng nghỉ Tết ngày nào. Tôi thấy Tết ngày càng chán, chẳng có gì vui, chẳng biết đi đâu. Tôi treo bảng trước quán không nghỉ Tết cho khách biết, đồng thời cũng thông báo phụ thu thêm 15.000 đồng mỗi tô phở”.
Quán hủ tiểu nam vang trên đường Nguyễn Hữu Cầu (Q.1) cũng làm ngơ với… Tết, treo bảng không nghỉ ngày nào, bán 24/24 và không tăng giá trong những ngày Tết. Quán đông nghịt khách đến ăn ngay sáng mùng 2.
Trên đường Khánh Hội (Q.4), tiệm sửa xe của chị Kim Thoa mở cửa từ sáng sớm mùng 2 để phục vụ khách. Chị Kim Thoa cười: “Với tôi, hôm nay hết Tết rồi. Ăn Tết ngày mùng 1 là đã đủ. Tiệm mở cửa sớm để những khách quen không sửa xe kịp trong chiều 30 mang đến sửa. Một số công nhân đi làm sớm, xe hư cũng mang đến sửa”.
Bà chủ tiệm sửa xe xinh đẹp nói thêm: “Sáng nay, có đôi vợ chồng già dẫn xe bị xẹp lốp hàng cây số, tìm chỗ vá. Gặp tiệm tôi mừng lắm. Vá xe xong họ còn cám ơn tôi, mong muốn Tết nên kết thúc sớm, kéo dài bất tiện quá”.
Các chợ lớn tại TP.HCM: Tân Mỹ (Q.7), Vườn Chuối (Q.3), Tân Định (Q.1), Bà Chiểu (Bình Thạnh) đã nhóm họp trở lại từ sáng sớm, phong phú thịt cá, rau, củ, quả. Người đi chợ tấp nập như ngày thường, gần như không khí Tết chẳng còn hiện diện.
Ngồi trước đống hoa quả ngay đầu chợ Tân Mỹ (Q.7), bà Dung cười tít mắt: “Làm cái nghề buôn bán phải lăn lộn kiếm sống. Muốn có miếng ăn thì đầu gối phải bò. Tết với nhất gì hả chú?”.
Tay bơm oxy cho mấy con cá điêu hồng, cá chép trong chậu, chị Diễm cười: “Mấy năm trước, bèo lắm thì mùng 4 tôi mới vác mặt ra chợ bán. Tết năm nay bán ế, chẳng có tiền bạc gì, nằm ở nhà chỉ đói. Từ khuya tôi đã đi lấy cá về để kịp sáng nay bán”.
Chị Nhung bán nấm rơm kế bên góp lời: “Phải lo kiếm sống thôi. Cứ lo Tết, nằm chình ình ở nhà miết, chỉ có đói”.
Chợ Vườn Chuối (Q.3) cũng nhộn nhịp người mua, kẻ bán ngay sáng mùng 2. Hàng quán phục vụ người đi chợ đông đúc người ăn.
Tay liên tục đưa vá vào những nồi nước lèo nghi ngút khói dùng để chế biến bún mắm, bún Thái, bún bò Huế cho khách, chị Trinh hồ hởi: “Tôi không nghỉ Tết ngày nào cả. Ngày thường tôi bán chỉ đến 12h trưa là dẹp rồi, những ngày Tết tôi bán đến tận 9h tối. Ai lo ăn Tết thì ăn, những ngày này tôi bán đắt, kiếm tiền dễ hơn”.
Gần hàng bún của chị Trinh, chị Liễu cũng tranh thủ mang những con gà làm sẵn, bày ra chợ bán cho các bà nội trợ mua về cúng. Chị Liễu nói: “Người nghèo, buôn bán gánh bưng thì làm gì có Tết. Quấy quá cho qua ngày mùng 1, tôi phải đi bán để còn có tiền nuôi con”.
Tại chợ “nhà giàu” Tân Định, mọi sinh hoạt mua bán trở lại rất bình thường. Tết gần như chấm dứt.
Chọn bó cải mang về nấu bữa cơm cho gia đình, chị Lan nói: “Tôi quan niệm ngày nào cũng như ngày nào. Ăn Tết, nghỉ ngơi ngày mùng 1 thôi, hôm nay phải đi chợ mua đồ tươi sống về làm cơm cho chồng con. Tụi nhỏ ngán chả lụa, thịt kho, bánh chưng lắm rồi. Từ hôm nay, gia đình tôi đã không còn Tết nhất gì nữa, ăn uống bình thường".
Trong các chợ tại TP.HCM, có lẽ chợ Bà Chiểu nhộn nhịp nhất. Rau củ, thịt, cá đều có giá “hết Tết”, người bán chẳng nói thách, người mua không cần trả giá.
Anh Tiến, bán tôm sống tại chợ, cười vui: “Thời nay ai mà ăn Tết kéo dài như ngày xưa. Lo làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt còn chưa đủ ăn, ở đó mà nghỉ Tết”.
Bà Hoa cũng bày lá nấu nước mát ra bán trên sạp. Sạp nước mát của bà Hoa tồn tại tại chợ gần 30 năm qua. Bà nói: “Tôi già rồi, Tết chẳng biết đi đâu. Để con cháu ở nhà ăn Tết, còn tôi phải đi bán. Làm lụng quen chân quen tay, nằm ở nhà nhiều ngày uể oải lắm”.
Thêm một số hình ảnh phóng viên ghi nhận trong sáng mùng 2 Tết:
Lê Ngọc Dương Cầm