Đây là thông tin được nêu ra tại Hội thảo “Xây dựng WebGIS phục vụ công tác quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại Tp.HCM” do Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển phối hợp Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý Thành phố tổ chức sáng 14/2.
Theo TS Trương Hoàng Trương, Trưởng Khoa Đô thị học (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Tp.HCM), hệ thống đường tại thành phố là một mạng lưới đồ sộ, phủ chằng chịt khắp trên vùng đô thị, cả vùng phụ cận đang đô thị hóa.
Kéo theo đó là hệ thống tên đường rất phức tạp, khoảng 3.600 đường có tên, nhiều đường chưa có tên và nhiều đường sẽ xuất hiện do sự phát triển đô thị.
Thành phố có 311 đường trùng tên với 132 tên đường; 38 tên đường đặt không chính xác tên nhân vật lịch sử hoặc địa danh; 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử-văn hóa; cùng với đó là những tên đường chưa phù hợp, chưa thống nhất ý kiến… Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng đường không có tên, tên không có đường, tên được đặt tự phát không đúng chuẩn…
Trong đó phải kể đến đường Lê Thánh Tôn được xem là con đường trung tâm, ngay trước cửa UBND Tp.HCM. Đường Lê Thánh Tôn viết đúng phải là Lê Thánh Tông, đây là tên của vị vua nhà Hậu Lê, trị vì từ năm 1460 đến khi qua đời năm 1497.
Trên địa bàn quận Phú Nhuận cũng được đặt tên không chính xác là Trương Quốc Dung thay vì phải là Trương Quốc Dụng, là nhà sử học và nhà thiên văn nổi tiếng của Việt Nam.
Quận 5 có đường Lương Nhữ Học, viết đúng phải là Lương Như Hộc, tên vị quan thời hậu Lê có hai lần làm sứ giả sang Trung Quốc.
Tương tự, đường Nguyễn Thiệp viết đúng là Nguyễn Thiếp, Bùi Hữu Diện - Bùi Hữu Diên, Dương Tự Quán - Dương Tụ Quán, Đoàn Như Hài - Đoàn Nhữ Hài, Hồ Huấn Nghiệp - Hồ Huân Nghiệp, Nơ Trang Long - N'Trang Lơng...
Bà Phạm Thị Hải, sinh sống tại đường số 11, Phường 3, quận Bình Thạnh bày tỏ ngán ngẩm mỗi khi phải gọi xe di chuyển, gửi thư từ hay có người thân đến thăm. “Trên giấy tờ thì con đường trước cửa nhà tôi là đường số 11 nhưng những năm trước không hiểu sao cắm biển là đường Miếu Nổi. Mãi đến năm 2021, sau khi chúng tôi ý kiến thì được cắm lại biển là đường số 11. Thế nhưng trên Google Maps rất khó định vị ra khu nhà này. Đi gửi bưu phẩm những nơi yêu cầu tự khai trên app cũng không được vì địa chỉ này không hiện trên map. Tôi mong sớm có biện pháp khắc phục”, bà Hải nói.
Còn chị Nguyễn Huyền và Anh Nhàn – du khách từ Hà Nội vào Tp.HCM từng một phen hú hồn khi nhầm đường Phạm Ngũ Lão từ quận Gò Vấp thành Quận 1 trong khi hai con đường cách nhau gần chục km.
Tuy nhiên, vấn đề đổi tên, cập nhật tên đường cũng khiến nhiều người dân băn khoăn. Sống trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, anh Công Bằng lo lắng rằng nếu thực hiện đổi tên đường thì các giấy tờ, thủ tục hành chính đi kèm liệu thay đổi có khó khăn không. “Tôi chỉ ngại phiền phức khi phải đi làm lại giấy tờ”, anh Công Bằng chia sẻ với báo Lao Động.
Được biết, trước thực trạng Tp.HCM có nhiều tên đường đặt tạm, đặt sai tên danh nhân, hoặc đặt tên kiểu viết tắt khó hiểu và vô nghĩa, ngay từ năm 1998, Ban Thường vụ Thành ủy đã có chủ trương về việc chấn chỉnh lại công tác đặt tên đường.
Sau đó, Tp.HCM đã thành lập ra "Hội đồng Đặt tên đường" do cố Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu làm Chủ tịch Hội đồng. Ngoài ra, Hội đồng còn quy tụ được 20 ủy viên thường trực là những vị lãnh đạo các sở, ban, ngành, các hội khoa học và những nhà nghiên cứu có uy tín.
Sau đó, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển đã thực hiện đề án "Công tác đặt đổi tên đường và công trình công cộng tại Tp.HCM - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020" từ năm 2012. Đến năm 2016, sau 3 năm nghiên cứu, khảo sát và thực hiện, đề án chính thức hoàn thành và báo cáo đến UBND Tp.HCM để có chỉ đạo thực hiện.
Đến tháng 9/2020, Sở Văn hóa-Thể thao đã có văn bản đề xuất Ủy ban Nhân dân Tp.HCM xem xét điều chỉnh 38 tên đường đặt không chính xác.
TS Trương Hoàng Trương chia sẻ, tại khu vực trung tâm thành phố, tên đường ổn định, không phát sinh nhưng còn tình trạng tên đường sai, tên đường trùng. Tên đường thay đổi sẽ dẫn đến xáo trộn lớn cho người dân. Việc đổi tên cần hạn chế tối đa, trước mắt ưu tiên đổi 38 tên đường không chính xác.
"Các cơ quan Nhà nước cũng như ở địa phương có liên quan đến tên đường cần đặt, đổi phối hợp nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ví dụ như có cập nhật chung trên tất cả các giấy tờ của hộ gia đình, cá nhân hộ gia đình… tên đường sai thì điều chỉnh lại và có tờ giấy quyết định đó, để khi người dân cần giao dịch hành chính thì chứng minh được. Việc này được cập nhật trên hệ thống quản lý, khi đó chúng ta sẽ xác định được. Thật ra không ai cố tình làm sai, người dân luôn luôn muốn có một sự chính xác", VOV dẫn lời TS Trương Hoàng Trương.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đề xuất mỗi tên đường có một mã QR để quét vào là có thông tin. Một vấn đề nữa là các dự án, khu đô thị mới thường tự đặt tên đường nhưng về lâu về dài là thách thức với TP, nên cơ quan chức năng cần đặt tên đường từ sớm.
Ngoài ra, các chuyên gia đề nghị có thể mở rộng kho dữ liệu tên đường bằng việc bổ sung thêm tên không chỉ có các nhân vật lịch sử có công với đất nước mà còn các nhân vật có nhiều đóng góp cho lịch sử phát triển của Tp.HCM ở các thời kỳ, hoặc tên các nhà khoa học quốc tế.
Theo các chuyên gia, công nghệ hiện đang thay đổi từng ngày nên việc xây dựng hệ thống thông tin địa lý (WebGIS) cần cập nhật liên tục để đóng góp cho quá trình quy hoạch và quản lý đô thị hiện đại.
Minh Hoa (t/h)