Chiều 9/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tp.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch Covid-19. Tại đây, đại điện UBND quận 4 đưa ra lý giải về việc địa phương này tăng cấp độ dịch từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 trong 1 tuần vừa qua.
Bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND quận 4 cho biết: “Trong quá trình điều hành và thực hiện giải pháp, chúng tôi nhận định cấp độ dịch trên địa bàn sẽ gia tăng. Do đó, quận đã tập trung đề ra giải pháp nâng ý thức người dân trong phòng chống dịch”.
Theo bà Mai, nguyên nhân khiến dịch trên địa bàn quận 4 gia tăng là nhiều người chủ quan sau khi đã tiêm 2 mũi vắc-xin và khỏi bệnh. Họ cho rằng có thể miễn nhiễm Covid-19 nên giao lưu trong cộng đồng diễn ra ngày càng nhiều hơn.
Mặt khác, quận 4 cũng là địa phương có diện tích nhỏ nhưng dân số đông, có nhiều xóm lao động, hẻm nhỏ chằng chịt nên việc giao lưu thường xuyên đã khiến dịch bệnh gia tăng.
“Ngay khi có ca nhiễm trong cộng đồng, quận đã đánh giá và nhận thấy phần lớn là ổ dịch gia đình, khi một người mắc thì những thành viên còn lại cũng dương tính”, bà Mai nói.
Theo thống kê, số người mắc Covid-19 ở quận 4 đến nay là hơn 18.000 người. Số đang cách ly điều trị tại bệnh viện là 481 người, cách ly tại nhà là 370 người và 50 trường hợp đang được làm hồ sơ đi cách ly do nơi ở không đủ điều kiện.
Tại họp báo, đại diện UBND quận 4 nhận được câu hỏi về việc sau khi cấp độ dịch tăng lên thì UBND quận 4 có hạn chế các hoạt động trên địa bàn theo bộ tiêu chí phòng chống dịch Covid-19 của UBND Tp.HCM hay không? Bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND quận 4 cho biết: “Lãnh đạo quận đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra. Địa phương yêu cầu các hàng quán ăn uống giảm 50% công suất hoạt động. Các hoạt động kinh doanh mua bán khác đều được yêu cầu hạn chế theo cấp độ dịch từng địa bàn”.
Trong khi đó, phía Sở Y tế Tp.HCM được hỏi về tình trạng các loại thuốc điều trị Covid-19 như Molnupiravir đang được rao bán. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM trả lời: “Vừa qua, Bộ Y tế cấp phát cho Tp.HCM hơn 25.000 liều Molnupiravir. Địa phương đang điều chuyển hơn 12.000 gói thuốc C bao gồm thuốc Molnupiravir kháng virus từ các cơ sở y tế chưa sử dụng đến những nơi cần hơn. Ngoài thuốc kháng virus này, ngành y tế Tp.HCM cũng được Bộ Y tế cung ứng 2.300 liều Faipiravir cùng nhóm".
Bên cạnh đó, Tp.HCM còn một số loại thuốc đông y hoặc thuốc y học dân tộc, hơn 30.000 liều thực phẩm chức năng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe người dân khi mắc Covid-19.
Do đó, bà Huỳnh Mai khẳng định, Tp.HCM có lượng thuốc điều trị Covid-19 được quản lý, kiểm soát chặt chẽ trước tình hình F0 tăng thời gian qua. Gói thuốc C, kháng virus sẽ được cấp phát rộng rãi cho người nhiễm bệnh khi cần sử dụng theo chỉ định chuyên môn.
Thời gian qua, Sở Y tế Tp.HCM đã tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp.HCM và được chấp thuận triển khai chiến dịch chăm sóc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi, có bệnh nền,… Ngay khi nhóm đối tượng này được phát hiện dương tính với Covid-19, cơ sở y tế cấp phường sẽ cấp phát các gói thuốc đến tận nhà người bệnh.
“Các loại thuốc kháng virus chỉ sử dụng đúng đối tượng. Những người còn trẻ, sức khỏe không có triệu chứng hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sẽ không được chỉ định thuốc kháng virus. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định hoặc không đúng sẽ dẫn đến hệ quả là kháng thuốc, gây nguy hiểm cho cộng đồng”, bà Huỳnh Mai nhấn mạnh.
Đối với việc rao bán thuốc Molnupiravir, đại diện Sở Y tế Tp.HCM khẳng định, đây là thuốc chưa được phép lưu hành. Việc lưu hành các sản phẩm trên không gian mạng hoặc mua bán trên thị trường đều bất hợp pháp.
Vì thế, Sở Y tế Tp.HCM phối hợp với Công an Tp.HCM điều tra các trường hợp có ghi nhận mua bán và sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp.HCM để xử lý theo thẩm quyền.