Video đã gỡ nhưng vẫn lan truyền
Ngày 14/4, trao đổi với Người Đưa Tin, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Tp.HCM Hồ Tấn Minh cho biết, Sở này vừa nhắc nhở một giáo viên vì quay video có thông tin cá nhân học sinh đưa lên TikTok.
Video được chia sẻ trên TikTok hồi tháng 12/2022. Một giáo viên dạy Ngữ văn của Trường THCS Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, thống nhất với học sinh quay video diễn cảnh "cô giáo bị áp lực, dạy không nổi vì lớp toàn con sếp".
Trong video này, cô quay cận mặt học sinh, giới thiệu từng em là con hiệu trưởng, con thư ký hội đồng trường, đại gia bất động sản, công an, phó chánh án tòa án nhân dân huyện.
Một số học sinh hưởng ứng, cười đùa, hợp tác cùng cô giáo nhưng cũng có một số em khó chịu, cố gắng che mặt, quay đi. Thế nhưng, giáo viên này vẫn cố gắng quay bằng được khuôn mặt từng học trò.
Ông Lưu Bá Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh cho hay, video được quay trong giờ nghỉ giải lao, kết thúc kiểm tra học kỳ I năm học 2022 – 2023.
"Cô giáo này không gặp áp lực gì, vẫn đi dạy bình thường. Trước khi quay, cô và trò đã bàn bạc về nội dung, mục đích giải trí", ông Linh nói.
Theo ông Linh, dù xác định video clip chỉ mang tính chất đùa vui nhưng theo quy chế làm việc của nhà trường, giáo viên chỉ được quay, chụp những vấn đề liên quan trong chương trình học để làm tư liệu, phục vụ công tác giảng dạy sau này.
Việc quay, đăng tải nội dung như trên lên mạng xã hội, theo nguyên tắc là không được phép.
Dù phụ huynh không có ý kiến gì nhưng khi phát hiện thì nhà trường đã yêu cầu cô giáo này gỡ video. Cô giáo T.T.T cũng thừa nhận chưa suy nghĩ kỹ khi quay, chia sẻ lên mạng xã hội. Nhà trường đã tổ chức họp và kiểm điểm đối với giáo viên này.
Video này sau đó bị một số tài khoản khác "chế lại", gây hiểu lầm, ảnh hưởng uy tín nhà trường và lộ thông tin cá nhân của học sinh.
Nhà trường đã liên hệ các tài khoản đó yêu cầu gỡ bỏ nhưng không được. Hiện, video clip trôi nổi vẫn đang được lan truyền trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Tp.HCM cho hay, giải trình của giáo viên cho rằng, đây là video vui đùa, có sự bàn bạc giữa giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Tp.HCM đề nghị giáo viên cần rút kinh nghiệm khi sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, nhất là những thông tin liên quan đến học sinh.
Vị này đánh giá, việc nhà trường, giáo viên sử dụng, tương tác trên mạng xã hội là điều bình thường nhưng phải hiểu cách thức hoạt động của các nền tảng mạng xã hội để sử dụng hiệu quả, an toàn.
"Không chỉ trường hợp của cô giáo ở huyện Bình Chánh, nhiều giáo viên chưa hiểu hết các mối nguy hại của việc sử dụng, sáng tạo nội dung trên TikTok. Sở GD&ĐT Tp.HCM sẽ rà soát, nhắc nhở", ông Minh nói.
Tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với trẻ em
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp.HCM cho rằng, những hành vi này vi phạm vào quyền được bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em nên có thể bị phạt tiền và buộc gỡ toàn bộ các hình ảnh khỏi mạng xã hội.
Ông Hậu viện dẫn, Điều 21 Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em được quyền bất khả xâm phạm về bí mật đời sống riêng tư, thông tin về cá nhân và gia đình, hình ảnh của trẻ cũng được bảo vệ bởi quyền này.
Không chỉ riêng tại Luật trẻ em 2016, Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định bất kì cá nhân nào đều có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó.
Theo luật sư Hậu, khi trẻ đã có thái độ không đồng ý xuất hiện trước ống kính thì hành vi cố tình quay phim chụp ảnh của giáo viên đã vi phạm vào quyền được bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ.
Đồng thời, hành vi công bố hình ảnh cá nhân trẻ em mà chưa được sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ và của trẻ từ 7 tuổi trở lên sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 31 Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng, đồng thời buộc phải thu hồi, xóa, gỡ bỏ các thông tin cá nhân của trẻ và xin lỗi nếu như phía gia đình có yêu cầu.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích, một trong số những nguyên nhân khiến cho các bậc phụ huynh vẫn chưa có động thái phản đối việc giáo viên đăng tải hình ảnh của con em là do chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề.
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, chỉ vài hình ảnh lướt qua trên mạng xã hội sẽ không thể gây ra hậu quả gì quá nghiêm trọng. Ngoài ra, một số phụ huynh có tâm lý tự hào khi thấy các thầy cô đăng ảnh của con, nghĩ rằng con đang rất hòa thuận với các thầy cô.
“Các bậc phụ huynh ai cũng muốn con em mình được giáo viên ưu ái nên khi nhìn thấy giáo viên đăng ảnh có con mình, hầu hết đều sẽ cảm thấy hài lòng và nghĩ rằng như vậy sẽ giúp cho quá trình học tập của con. Số khác thì lo sợ con sẽ bị “đì”, bị gây khó dễ trong quá trình học tập nếu như bắt lỗi giáo viên ở những việc nhỏ nhặt như đăng ảnh lên mạng”, luật sư Hậu nhận định.
Dù vậy, những phụ huynh này lại không lường trước được những mối nguy khi hình ảnh con em họ xuất hiện trên TikTok. Bởi lẽ, mạng xã hội không giới hạn phạm vi truy cập của người xem nếu để chế độ công khai.
“Vì thế, những hình ảnh này có thể được tải về và thay đổi bởi một bên thứ ba, lợi dụng hình ảnh của trẻ cho các chiêu trò thu lợi bất chính”, ông Hậu lo ngại.