Ngày 13/7, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo sở Y tế, khu công nghệ cao, các khu chế xuất, khu công nghiệp, UBND TP.Thủ Đức, UBND các quận huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM về việc dừng hoạt động các doanh nghiệp trên địa bàn nếu không đáp ứng được các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo UBND TP.HCM, qua sàng lọc, tầm soát, truy vết cho thấy, số lượng ca nhiễm là công nhân ở các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có mối liên hệ với nơi ở của công nhân đang phân tán rộng khắp địa bàn các quận, huyện, TP.Thủ Đức. Điều này dẫn đến nguy cơ lây nhiễm rất cao từ nơi ở của công nhân vào nơi sản xuất và ngược lại.
Để thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép” là vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh, UBND TP.HCM chỉ đạo, chỉ cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM được tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo một trong hai điều kiện sau:
Một là, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ".
Hai là, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường – 2 địa điểm: duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân".
TP.HCM giao sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định các doanh nghiệp, nếu đảm bảo phòng chống dịch bệnh thì cho phép hoạt động.
Đồng thời, UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện xét nghiệm cho công nhân định kỳ 7 ngày 1 lần và doanh nghiệp phải tự chi trả chi phí xét nghiệm này.
Trường hợp các doanh nghiệp không đảm bảo được 1 trong 2 yêu cầu nói trên thì kiên quyết phải dừng hoạt động. Thời gian dừng hoạt động bắt đầu từ 0h ngày 15/7 cho đến khi có thông báo mới.
Quyết định dừng hoạt động các doanh nghiệp nếu không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm ở TP.HCM đã vượt mốc 16.000 và tăng theo từng giờ, phần nhiều các ca bệnh được ghi nhận lây lan trong các doanh nghiệp.
Trong đó, công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao TP.HCM) ghi nhận số ca nhiễm rất cao, với hàng trăm F1 có liên quan. Bởi số ca được xác định dương tính nhiều nên doanh nghiệp này phải dừng hoạt động vào 7/7 vừa qua để phòng chống dịch bệnh.
Việc ngừng sản xuất khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Nidec Việt Nam là không còn cách nào khác.
Một doanh nghiệp khác trong Khu Công nghệ cao là công ty Nidec Sankyo, ghi nhận 573 ca dương tính với SARS-CoV-2 và đơn vị cũng đã phải tạm dừng hoạt động từ 3/7.
Tại quận Bình Tân, công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cũng phải cho 33.000 công nhân tạm nghỉ việc khi doanh nhiệp lớn này ghi nhận hàng chục ca dương tính với SARS-CoV-2. Kéo theo đó là hàng chục ngàn công nhân có liên quan đến các F, và nhiều công nhân sinh sống ở các tỉnh lân cận đã không thể đến công ty làm việc do TP.HCM hạn chế đi lại giữa các tỉnh.
Việc phải dừng hoạt động trong khi các đơn hàng của các đối tác vẫn phải giao đúng hạn đang khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế khó, nếu họ không đàm phán được với các đối tác lùi thời hạn giao nhận hàng.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp, ngoài việc tạm dừng là không còn lựa chọn nào khác.
Đây cũng là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp khác trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là những đơn vị đặt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Để bảo đảm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, hiện có nhiều doanh nghiệp đã lên phương án cho công nhân ở lại luôn trong công ty, không về nhà cho đến khi dịch được kiểm soát.
Trong đó, có 20 doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao TP.HCM cũng đã trình phương án vừa cách ly vừa sản xuất để ban Quản lý thẩm định.
Tại một điểm nóng dịch bệnh khác là Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM), tính đến chiều 13/7, tại đây ghi nhận hơn 400 ca nhiễm Covid-19 phân bổ rải rác tại 50 công ty. Đã có 29 doanh nghiệp trong khu chế xuất này phải tạm dừng hoạt động do có ca mắc Covid-19. Hai doanh nghiệp khác tại đây cũng tự đề xuất tạm dừng sản xuất.