Nhiều nhà máy “giậm chân tại chỗ”
Đầu tháng 1/2024, theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, hiện nay, trên địa bàn phát sinh bình quân từ 10.000 - 10.500 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày.
Trong đó, lượng rác được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh vẫn còn khá cao (69%). Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 có 80% và đến năm 2030 đạt 100% khối lượng rác thải này sẽ được xử lý bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Để thực hiện được mục tiêu trên, chính quyền Tp.HCM cũng đã triển khai quyết liệt nhóm giải pháp chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại các nhà máy hiện hữu sang đốt phát điện.
Cụ thể là từ năm 2019, Tp.HCM đã có 3 dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) được khởi công, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2020 đầu năm 2021.
Thế nhưng, đến tháng 1/2024, trên địa bàn Tp.HCM vẫn chưa đi vào hoạt động bất cứ một nhà máy đốt rác phát điện nào do gặp một số vướng mắc.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Vietstar, hiện công ty đã hoàn thiện lắp đặt và vận hành ba dây chuyền phân loại rác với công nghệ tiên tiến.
Công ty cũng đã làm đường dẫn vào nhà máy đốt rác phát điện với bề rộng 27m, đấu vào đường số 1, đồng thời san lấp mặt bằng 45.000m2, xây nền hạ cho các tuyến đường nội bộ trong nhà máy, đóng hơn 2.000 tim cọc cho nhà, ký hợp đồng và trả tiền đặt cọc cho các thiết bị chính yếu nhập từ nước ngoài.
Vietstar cũng đã hoàn thành thủ tục thẩm định công nghệ, quyết định chủ trương đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường và đang triển khai các thủ tục pháp lý còn lại. Tuy nhiên, đến nay, UBND Tp.HCM chưa phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 nên Vietstar vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý còn lại để triển khai xây dựng.
Nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa được khởi công vào tháng 10/2019 nhưng đến nay, cũng chỉ mới xong phần san lấp mặt bằng, xây tường rào và tập kết sắt thép, vật tư trên khu đất dự kiến xây nhà máy.
Theo đại diện công ty này, dịch Covid-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay đã gây khó khăn trong việc xuất nhập cảnh, làm chậm tiến độ đàm phán cũng như việc đến Việt Nam của các đối tác cũng như chuyên gia công nghệ, xây dựng.
Nguồn vốn cũng là một trong những khó khăn của Tâm Sinh Nghĩa trong quá trình triển khai dự án. Theo đó, dự án này có tổng mức đầu tư 4.976 tỷ đồng. Để đảm bảo về vốn và tiến độ, công ty đã lập hồ sơ vay vốn ngân hàng.
Phía ngân hàng yêu cầu công ty cung cấp phụ lục hợp đồng xử lý rác của dự án đúng với công suất 2.000 tấn/ngày nhưng đến nay, phụ lục hợp đồng giữa Tâm Sinh Nghĩa với Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM vẫn chưa được ký kết.
Đại diện Công ty cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi cũng cho biết, do dịch Covid-19, đối tác châu Âu chưa xác định thời gian cung cấp công nghệ, thi công lắp đặt trang thiết bị nên tiến độ xây dựng nhà máy bị chậm.
Ngoài ra, tháng 7/2021, Tasco Củ Chi đã có văn bản đề xuất cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đặt hàng để công ty đầu tư xây dựng nhà máy công suất 3.000 tấn/ngày nhưng đến nay, đề xuất trên vẫn chưa được chấp thuận. Đến nay, trong các thủ tục cần thiết, Tasco Củ Chi chỉ mới được duyệt đồ án quy hoạch xây dựng 1/500, chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý còn lại.
Nhiều vướng mắc chờ giải pháp
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM) cho biết, trong Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 – 2030 của Tp.HCM, nhóm giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo định hướng tăng cường xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện bao gồm hai giải pháp là: chuyển đổi công nghệ xử lý của các nhà máy xử lý rác hiện hữu và thực hiện đấu thầu lựa chọn dự án xử lý rác mới.
Đối với giải pháp về chuyển đổi công nghệ xử lý rác, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM đã sớm làm việc với các đơn vị cung ứng dịch vụ xử lý rác để tiến hành chuyển đổi công nghệ từ năm 2018.
Thể hiện quyết tâm thực hiện chuyển đổi công nghệ với chính quyền Thành phố, một số đơn vị đã nỗ lực tìm kiếm công nghệ phù hợp và có văn bản xin phép UBND Tp.HCM được tổ chức khởi công các hạng mục xây dựng tạm (lán trại công nhân, nhà điều hành phục vụ dự án, nhà kho tập kết vật liệu, hàng rào bảo vệ, ép cọc để chuẩn bị mặt bằng…) song song quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép xây dựng nhằm chuẩn bị sẵn sàng, rút ngắn thời gian thi công, thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện thủ tục pháp lý dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa (hai doanh nghiệp đã có Quyết định chủ trương đầu tư nhà máy đốt rác phát điện của Thành phố) lại gặp vướng mắc liên quan đến bổ sung dự án vào các văn bản pháp lý về phát triển nguồn điện dẫn đến chưa đủ cơ sở để thực hiện các thủ tục về cấp giấy phép xây dựng nhà máy.
Để hỗ trợ 2 công ty giải quyết khó khăn, vướng mắc này, UBND Tp.HCM đã có các văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng hỗ trợ giải quyết vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ của 2 công ty.
Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa đã tiến hành nộp hồ sơ thẩm định dự án chuyển đổi công nghệ tại Bộ Xây dựng song song với quy trình bổ sung dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, dự án chuyển đổi công nghệ của các đơn vị cung ứng dịch vụ xử lý rác còn lại hiện đang thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, chủ yếu là khó khăn trong việc gặp gỡ, trao đổi với các đối tác để tìm công nghệ xử lý phù hợp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Các công ty đang đề xuất chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện áp dụng lò đốt dạng ghi chuyển động có nguồn gốc, xuất xứ từ các nước phát triển như Đức, Bỉ và Nhật Bản.
Một vướng mắc khác là việc đầu tư chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện theo mô hình hiện đại, đảm bảo an toàn về môi trường cần tổng vốn đầu tư ban đầu rất lớn.
Do đó, ngoài Công ty trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS), các đơn vị xử lý còn lại đã đề xuất chuyển đổi công nghệ và nâng công suất xử lý cao hơn so với hợp đồng cung ứng dịch vụ đã ký.
Theo Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn Tp.HCM, dự báo đến năm 2025 lượng rác sinh hoạt sẽ tăng đến 13.000 tấn/ngày và lên đến 16.600 tấn/ngày vào năm 2030. Với khối lượng rác thải phát sinh rất lớn như trên và hiện trạng công nghệ xử lý cũ (chôn lấp) đã không phù hợp, việc đầu tư thêm nhà máy đốt rác phát điện là rất cấp thiết.
Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia do Thủ tướng phê duyệt yêu cầu tỷ lệ chôn lấp rác ở đô thị giảm còn 30% năm 2025 và 10% năm 2030. Tại Tp.HCM, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt rác phát điện) và tái chế định hướng đạt ít nhất 80% năm 2025, hướng tới năm 2030 đạt 100%.
Đối với giải pháp về đấu thầu lựa chọn dự án xử lý rác mới, theo quy định Luật Bảo vệ môi trường, các dự án xử lý rác mới sau thời điểm Luật này có hiệu lực phải thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Do đó, Tp.HCM đang kêu gọi đầu tư Dự án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng với công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi theo phương thức đối tác công tư.
Hội đồng thẩm định cấp cơ sở (do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì) đã có thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (lần 2) trình UBND Tp.HCM xem xét, trình HĐND Tp.HCM ra quyết định chủ trương đầu tư dự án. Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, công bố dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, Thành phố này sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật.