Đại diện trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm 73% so với cùng kỳ, trong 8 tháng đầu năm 2020.
Tuy nhiên, Thành phố đã có 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh nhân là nữ, 16 tuổi, ngụ quận 7 được đưa vào bệnh viện Quận 4 cấp cứu. Khi tình trạng chuyển biến xấu, người bệnh được chuyển sang bệnh viện Nhiệt đới nhưng không qua khỏi, đã tử vong vào ngày 8/8.
Chính vì thế, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cảnh báo, người dân không nên chủ quan. Khi có dấu hiệu, cần nhanh chóng đi khám chữa bệnh. Đặc biệt là không tự ý điều trị tại nhà.
Như tại bệnh viện Quận 11 vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân nữ, 20 tuổi. Khi nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết nặng, kết quả xét nghiệm thấy tình trạng thoát dịch gây cô đặc máu rất nhiều và tiểu cầu giảm rất thấp.
Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, phụ trách khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Quận 11 chia sẻ: “Bệnh nhân may mắn chưa rơi vào tình trạng sốc xuất huyết dẫn đến suy đa cơ quan và có thể tử vong. Sau hơn một tuần điều trị, tổng trạng của bệnh nhân hiện đã ổn định và một vài ngày nữa có thể xuất viện”.
Bác sĩ Tuấn giải thích thêm, thông thường sốt xuất huyết tình trạng nhẹ diễn tiến 7 ngày sẽ tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, bệnh này vẫn có tỷ lệ nặng và chia thành 3 nhóm gồm: sốc sốt xuất huyết, xuất huyết nặng và suy tạng. Trong đó, sốc sốt xuất huyết là tình trạng thường gặp nhất với biến chứng huyết áp tụt, mạch nhanh, tri giác lơ mơ.
Còn tình trạng xuất huyết nặng sẽ khiến bệnh nhân bị xuất huyết nhiều cơ quan như gan tràn dịch, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu cam, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết, chảy máu khó cầm. Tình trạng cô đặc máu và thiếu dịch cơ thể có thể đẩy bệnh nhân đến tình trạng sốc.
Cho nên, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, phân loại đúng mức độ bệnh và chỉ định điều trị nội trú hay ngoại trú. Người bệnh tuyệt đối không được tự uống thuốc điều trị, truyền dịch khi chưa được thăm khám, phân loại mức độ bệnh.
Chỉ đạo trong cuộc họp với trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các trung tâm y tế quận/huyện và bệnh viện, lãnh đạo sở Y tế TP.HCM yêu cầu tăng cường công tác truyền thông và kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Theo đó, các trung tâm cần tiếp tục kiểm soát điểm nguy cơ, xử lý sớm ổ dịch. Vận động người dân tự thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh tại chính ngôi nhà của mình. Thậm chí, đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không diệt lăng quăng, không diệt muỗi có thể bị xử phạt hành chính.