Tp.HCM sao hoang hoải, vắng lặng đến thế!
Chào nhà báo - nhiếp ảnh gia Hải An! Những bộ ảnh trong thời gian Tp.HCM giãn cách tăng cường để phòng chống dịch Covid-19 được anh thực hiện trong tâm thế ra sao?
Với công việc báo chí, tôi có trách nhiệm phải ghi nhận sự kiện đang diễn ra. Sự khốc liệt của dịch bệnh Covid-19 tại Tp.HCM vào thời điểm đó là điều chưa từng xảy ra, nên từ lòng say mê nghề mà tôi muốn có mặt vào những thời khắc đó để ghi lại những điều không thể quên nhưng cũng không muốn nhớ lại.
Ban đầu, tôi chụp như một phóng viên nhưng dần dần, tôi nhận ra đây là khoảnh khắc lịch sử phải ghi lại để thế hệ sau được biết. Với những bức ảnh, tôi muốn lan tỏa hình ảnh đẹp của các y bác sĩ, lực lượng chức năng để người dân có sự thấu hiểu, đồng cảm hơn. Từ đó, chúng ta hiểu rõ tính khắc nghiệt của dịch bệnh, để điều chỉnh bản thân, nghiêm túc phòng chống dịch.
Và trên hết, những câu chuyện cảm xúc qua các bức ảnh đã thể hiện sự chung tay, đoàn kết của người dân chúng ta giúp đỡ nhau trong lúc nguy nan nhất. Giữa thời điểm khó khăn, việc đưa thông điệp tích cực qua nhiều phương diện là rất quan trọng để mọi người cùng chung thay đẩy lùi dịch bệnh.
Những buổi chụp ảnh, tôi không bao giờ vội vã bấm máy mà luôn dành thời gian để trò chuyện, tạo dựng tình cảm với các nhân vật - những người sẽ kể câu chuyện trong bức ảnh mình sáng tác. Phải có sự kết nối, để họ cứ làm công việc của họ một cách tự nhiên, đừng quan tâm đến mình. Bản thân mình cũng tập trung vào công việc, tránh làm phiền đến họ.
Tác nghiệp trong đêm đầu tiên Tp.HCM áp dụng quy định “ai ở đâu ở yên đó” với các chốt kiểm soát để giãn cách triệt để, anh cảm nhận thế nào?
Thời điểm buổi tối 22/8, lúc đó Thành phố mang tên Bác chưa bao giờ vắng lặng đến thế, trong khi tôi vốn đã quen với một Sài Gòn sôi động, náo nhiệt. Khi đi qua đường Phạm Văn Đồng, Tp.Thủ Đức, nghe tiếng côn trùng kêu, tôi bỗng cảm thấy mênh mông, vắng lặng... như tờ.
Một nhịp sống trầm mặc khác thường. Lực lượng chức năng bắt đầu ra quân tuần tra. Khắp các tuyến đường đều có chốt chặn giám sát chặt chẽ. Những con đường dài hun hút, thỉnh thoảng tiếng còi xe cấp cứu phá tan màn đêm tĩnh lặng rồi lướt đi như một cơn gió.
Thanh âm náo nhiệt của Sài Gòn phồn hoa chỉ còn là xa xỉ, nơi góc phố xào xạc tiếng chổi tre của các anh chị công nhân vệ sinh làm khuya. Lâu lâu, nghe tiếng xe đạp cút kít của người vô gia cư lạc lối chưa kịp về góc phố ngả lưng, thỉnh thoảng thì một chiếc xe máy của nhân viên y tế vụt qua. Tất cả đều chóng vánh rồi trả lại màn đêm hoang hoải buồn tênh.
Có lẽ, chưa bao giờ Sài Gòn "được nghỉ ngơi" đến mức kiệt sức như thế này. Những gì không thể tránh được thì phải đối mặt. Đại dịch cho chúng ta nhìn thấu nỗi đau, phân ly, mất mát, nhưng dạy ta cách hàn gắn yêu thương.
Bước qua mất mát, trân trọng bình yên
Thời điểm đó cũng là lúc ngành y tế Tp.HCM lao vào trận chiến không kể ngày đêm với dịch bệnh. Và, khi thực hiện các bộ ảnh trong các bệnh viện điều trị Covid-19, cảm xúc của anh là gì?
Để thực hiện các phóng sự ảnh tại các bệnh viện điều trị Covid-19, tôi phải được sự cho phép của các cơ quan chức năng liên quan và có sự giám sát đặc biệt chặt chẽ trong suốt quá trình tác nghiệp. An toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu trước khi bước vào phòng điều trị đặc biệt này.
Phải mặc bảo hộ cấp 4 là chuẩn cao nhất cùng với các bước sát khuẩn cơ thể, thiết bị trước khi bước vào nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Lúc đó, tâm trạng của tôi thật sự khó tả, vừa hồi hộp vừa lo lắng, nhưng trong đầu lại chẳng nghĩ được gì.
Cánh cửa phòng hồi sức tích cực mở ra, và khi tôi bước vào bên trong là một khung cảnh hoàn toàn khác biệt. Nếu như bình thường khi tác nghiệp là vội vàng chạy rất nhanh để có vị trí tốt nhất, thì lúc này tôi lại chững người lại, không biết phải làm gì.
Trước mắt tôi là hàng chục y bác sĩ bịt kín trong bộ trang phục bảo hộ trắng toát giữa bầu không khí hết sự khẩn trương. Mỗi bệnh nhân nằm trong một căn phòng riêng với đầy đủ các máy móc hiện đại nhất.
Tiếng tít tít vang lên đều đặn, khô khốc từ các thiết bị, có người thở dốc, có người nằm lặng im mê man, đặc biệt là những tràng ho liên tục cực kỳ ám ảnh từ một căn phòng vang ra. Bệnh nhân như vùng vẫy, cố hết sức để thở để ho, mà bị bóp nghẹt khàn đặc không thể thoát ra khỏi cổ họng.
Sau những phút lặng người, tôi mới bình tâm để chụp, đi qua từng căn phòng đều có các y bác sĩ đang tập trung xử lý các ca bệnh, cố gắng đứng xa hoặc nép mình khuất nhất có thể vì sợ mình làm phiền họ chữa trị.
Trên đường về nhà, một nỗi sợ hãi bỗng thoáng qua, tôi lo lắng không biết mình có sai sót chỗ nào không, có khả năng lây nhiễm không. Suy nghĩ đó cứ xoay vòng trong đầu mà không thể yên lòng được. Tôi gọi điện thoại dặn cả nhà đi qua nhà ngoại, để mình tự cách ly. Vài ngày sau đi xét nghiệm, nhận được kết quả âm tính thì tôi mới phần nào nhẹ nhõm.
Bước qua những ngày tháng gian lao, Tp.HCM đang “khỏe lại” từng ngày, nhịp sống “bình thường mới” đối với anh có giá trị ra sao?
Nhớ về chuyến tác nghiệp cuối cùng tại bệnh viện trong mùa dịch vì Tp.HCM đã qua cơn bĩ cực, dần phục hồi trở lại nhịp sống bình thường, tôi cảm thấy vui vui khi bước qua những hành lang vắng, những căn phòng trống giờ không còn bệnh nhân, không còn nghe hơi thở nặng nhọc hay những cơn ho khàn đặc đầy ám ảnh.
Đời người chỉ một lần bước qua sinh tử là quá đủ rồi. Chúng ta không thể bắt đầu lại, nhưng có thể làm nên một kết thúc mới mạnh mẽ và yêu thương. Và rồi, tôi cũng có một ngày được nhẹ nhàng lang thang Tp.HCM sau 4 tháng đằng đẳng mệt mỏi.
Lúc này, tôi nhận ra, lâu rồi mới thấy cảm nhận Thành phố này thật xanh, thật nhẹ nhàng. Đúng là chỉ khi lòng an yên mới nhìn thấy và cảm nhận được những điều nho nhỏ vui vui như thế. Những khung cảnh náo nhiệt quen thuộc dần trở lại, tôi mới cảm nhận rõ hơn sự hạnh phúc đến từ những điều bình thường giản dị.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Hải An cũng là người khám phá hàng loạt cung đường phượt mới như mốc biên giới 79 và 42 – hai mốc cao nhất, nhì Đông Dương; điểm cực Đông, núi Tà Chì Nhù, Hòn Hải...